Những đặc trưng quan trọng của mô hình giáo dục trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0

Cập nhật ngày: 29/04/2020 10:00:35

ĐTO - Trong báo cáo “Các trường học của tương lai: Xác định các mô hình giáo dục mới cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0” công bố vào đầu năm 2020, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) chỉ ra 8 đặc trưng quan trọng của môi trường giáo dục trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, hay “giáo dục 4.0”. Để đào tạo người lao động có kiến thức và kỹ năng thích ứng tốt, giáo dục 4.0 cần có những thay đổi trong nội dung giảng dạy, trải nghiệm học tập mới cho người học thông qua những phương pháp giáo dục mới.


Một hoạt động tập thể rèn luyện kỹ năng của sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp (Ảnh tư liệu)

Đặc trưng đầu tiên là kỹ năng công dân toàn cầu. Giáo dục 4.0 cần trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng và nhận thức về một thế giới rộng lớn hơn quốc gia mình đang sống để tạo ra công dân toàn cầu – những người hiểu rõ các vấn đề của thế giới và cùng tham gia tích cực vào cộng đồng thế giới để giải quyết các vấn đề này.

Kỹ năng đổi mới và sáng tạo xếp vị trí thứ 2. Bao gồm các nội dung học tập giúp bồi dưỡng, phát triển năng lực đổi mới sáng tạo của người học, chẳng hạn như kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phân tích, tư duy sáng tạo và phân tích hệ thống.

Tiếp theo là kỹ năng kỹ thuật trong thời đại số. Nhiều nội dung nhằm phát triển kỹ năng số của người học cần được tập trung phát triển: năng lực sử dụng công nghệ, kỹ năng lập trình và trách nhiệm số (digital responsibility). Đặc biệt, năng lực và trách nhiệm số nên được hiểu là những kiến thức về rủi ro khi gia nhập thế giới số, kỹ năng kiểm tra thông tin và nhận biết thông tin thất thiệt, kỹ năng bảo vệ an toàn thông tin cá nhân của bản thân, cũng như khả năng tự bảo vệ bản thân trước những rủi ro trên môi trường internet và thế giới kết nối đa chiều.

Kỹ năng giao tiếp với một cách hiểu mở rộng, bao gồm nội dung tập trung vào trí tuệ cảm xúc cá nhân, trong đó có sự đồng cảm, hợp tác, đàm phán, lãnh đạo và nhận thức xã hội.

Học tập cá nhân hóa và tự học là đặc trưng thứ 5. Chuyển từ một hệ thống giáo dục được chuẩn hóa chung cho mọi người sang một hệ thống dựa trên nhu cầu cá nhân, năng lực của từng người học, và đủ linh hoạt để cho phép mỗi người tiến bộ theo tốc độ của riêng mình.

Đặc trưng thứ 6 là chương trình học dễ tiếp cận. Với “sự đồng hành” của công nghệ, học tập trong thời đại 4.0 không chỉ hạn chế về đối tượng trong không gian trường học mà được mở rộng ra cho tất cả những ai có nhu cầu thông qua các hình thức học online, học tập theo dự án cùng với các bạn ở nhiều quốc gia khác nhau qua kết nối internet...

Đặc trưng thứ 7 là học tập dựa trên giải quyết vấn đề và sự hợp tác. Chuyển đổi từ mô hình giáo dục truyền thống sang mô hình với phương pháp giáo dục mới như học tập theo vấn đề và học tập theo dự án. Những phương pháp này đòi hỏi người học phải hợp tác ngang hàng và phối hợp trực tiếp với nhau trong quá trình học. Đây là kỹ năng cần thiết của người lao động trong thời đại 4.0.

Học tập suốt đời là một đặc trưng mang tính chiến lược. Rất nhiều kiến thức người học được trang bị ngày hôm nay sẽ trở nên lỗi thời trong tương lai gần. Vì vậy, mô hình giáo dục trong thời đại 4.0 cần tạo điều kiện cho người học có cơ hội được học tập suốt đời. Mọi người sẽ liên tục cải thiện các kỹ năng hiện có và tiếp thu những kỹ năng mới dựa trên nhu cầu cá nhân của mình.

Trong bối cảnh của hiện tại và tương lai, cuộc sống có sự vận động và thay đổi nhanh, các dự báo phải liên tục điều chỉnh, bổ sung và cập nhật. Nhiều chuyên gia chia sẻ rằng, giáo dục 4.0 cần phải sẵn sàng nhận “sứ mệnh tiên phong” để góp phần đào tạo nguồn nhân lực mới của thời đại 4.0 và để chuẩn bị cho 5.0, 6.0... Về phía người học, trang bị kỹ năng (bao gồm: kỹ năng cứng và kỹ năng mềm) là yêu cầu có tính tiên quyết. Trong đó, người học cần được dạy kỹ và phát triển “kỹ năng học và tự học” một cách bài bản, đồng thời “kỹ năng cứng phải thật mềm và kỹ năng mềm phải thật cứng”.

HIẾU TRI (tổng hợp)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn