Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh có 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn kiểm định chất lượng

Cập nhật ngày: 19/07/2022 05:04:58

ĐTO - Trong những năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn; chuyển các trường cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC) nghề về ngành lao động quản lý. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ban hành nhiều cơ chế, chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm phù hợp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


Số học viên sau khi được đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh tìm được việc làm chiếm tỷ lệ cao. 
Ảnh: T.L

Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ học sinh trên địa bàn tỉnh tham gia học nghề trình độ TC, CĐ ngày một tăng cao. Thời gian trên, toàn tỉnh có trên 20.900 học sinh tham gia học nghề trình độ TC, CĐ tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh (TC: 12.599 học viên, CĐ: 8.322 học viên). Hiện nay, toàn tỉnh có 28 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp có năng lực tham gia hoạt động gồm: công lập 25 cơ sở, ngoài công lập 3 cơ sở; chia theo loại hình: trường cao đẳng 2 đơn vị; trường trung cấp 3 đơn vị; trung tâm giáo dục nghề nghiệp 8 đơn vị; trung tâm dịch vụ nông nghiệp 12 đơn vị; doanh nghiệp 3 đơn vị.

Giai đoạn 2016 - 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh đào tạo 105.481 học viên, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 58,2% năm 2016 lên 70% năm 2020, trong đó, tỷ lệ qua đào tạo nghề từ 42% tăng lên 50%. Bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo chất lượng. Đã có 7 cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư thiết bị dạy nghề từ Dự án đổi mới và phát triển dạy nghề và Dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn với tổng kinh phí hơn 24,36 tỷ đồng. Các đơn vị thụ hưởng đã xây dựng danh mục đầu tư thiết bị nghề phù hợp với quy mô, ngành nghề đào tạo tại địa phương. Từ đó, chất lượng đào tạo nghề được nâng lên, chuyển dần từ dạy nghề sẵn có sang dạy nghề theo nhu cầu xã hội, theo địa chỉ. Đối với các nghề đào tạo cho lao động nông thôn (trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng), UBND tỉnh đã phê duyệt xây dựng 104 chương trình, giáo trình đào tạo, trong đó, nghề phi nông nghiệp có 36 chương trình và 39 giáo trình đào tạo.

Tỉnh tổ chức bồi dưỡng cho trên 1.000 lượt nhà giáo, cán bộ quản lý được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, kỹ năng sư phạm. Đến nay, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ bản đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Toàn tỉnh có 599 cán bộ quản lý và nhà giáo (trong đó có 411 nhà giáo; 188 cán bộ quản lý). Đồng thời tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 cũng như triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo quy định. Hoạt động dạy và học đã khôi phục hoàn toàn. Tỷ lệ học sinh đến trường cao hơn nhiều so với kết quả khảo sát ý kiến phụ huynh học sinh. Ngành giáo dục đã nỗ lực và bảo đảm được chất lượng dạy và học trong năm học 2021 - 2022 và kết thúc năm học theo lộ trình đã đề ra đối với cấp THCS, THPT và giáo dục thường xuyên theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh gần 3.000 học viên; tổ chức 10 phiên giao dịch việc làm; đào tạo ngoại ngữ - giáo dục định hướng và chờ xuất cảnh cho hơn 1.300 học viên; 820 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 54,7% kế hoạch năm).

Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn kiểm định chất lượng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 79%, trong đó lao động được qua đào tạo nghề đạt 57%. Phát triển giáo dục nghề nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người dân, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của địa phương trong tình hình mới. Giáo dục nghề nghiệp phải bám sát nhu cầu của thị trường lao động gắn kết với việc làm, an sinh xã hội và phát triển bền vững; phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của người học; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn