Phát triển cơ sở giáo dục, nâng cao chất lượng cán bộ quản lý và giáo viên
Cập nhật ngày: 26/05/2025 10:50:23

ĐTO - UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 105 ngày 11/5/2020 về việc cơ cấu lại ngành dịch vụ trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 (viết tắt là Kế hoạch số 105). Trong đó, phân công các nhiệm vụ trọng tâm cho các đơn vị chủ trì, cùng phối hợp ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện. Đặc biệt, nhiều nhiệm vụ trong Kế hoạch số 105 được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trình độ của cán bộ quản lý, giáo viên ngành giáo dục Mầm non đạt và vượt chuẩn trên địa bàn tỉnh chiếm 99,90% vào năm 2024
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 105 nhằm cụ thể hóa Đề án “Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” và Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ngành giáo dục tỉnh thực hiện nhiều nội dung quan trọng như: rà soát, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông... đạt nhiều kết quả nổi bật.
Đến năm 2024, toàn tỉnh có 581 cơ sở giáo dục và đào tạo (mầm non, Tiểu học, THCS, THPT và Giáo dục thường xuyên (giảm 63 cơ sở) so với năm 2021. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục từng bước được rà soát, sắp xếp bảo đảm về số lượng, cơ cấu, đáp ứng yêu cầu triển khai đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trình độ chuẩn của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục 2019 được nâng lên, cao hơn mặt bằng chung của cả nước và vượt chỉ tiêu năm 2025 của Chính phủ. Công tác phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong các cơ sở giáo dục được quan tâm. Tỷ lệ cán bộ quản lý, nhà giáo và người lao động là đảng viên đạt 73,66%. 100% cơ sở giáo dục ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý, quản trị nhà trường, các cơ sở giáo dục trung học đã sử dụng các phần mềm quản lý nhà trường để quản lý, số hóa thông tin về trường, lớp, học sinh, cơ sở vật chất.
Liên quan đến thực hiện Kế hoạch số 105, ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai. Tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết và thông tư liên quan, giúp họ nắm rõ lộ trình và nội dung đổi mới. Đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt, phù hợp với đặc điểm của học sinh, điều kiện địa phương. Đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên được quan tâm, ngành tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên về chương trình giáo dục phổ thông mới, nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm. Công tác lựa chọn triển khai sách giáo khoa của các cấp, bậc học đúng theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đảm bảo công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện địa phương, nhất là đảm bảo 100% học sinh đều có sách vào đầu năm học (đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các cơ sở giáo dục vận động hỗ trợ hoặc cho mượn sách giáo khoa).
Tỉnh tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đảm bảo nội dung phù hợp với đặc thù văn hóa và lịch sử của tỉnh. Đến nay, tất cả tài liệu giáo dục địa phương từ lớp 1 đến lớp 12 được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Ngoài ra, 100% các cơ sở giáo dục phổ thông triển khai các chương trình giảng dạy bộ môn Tiếng Anh của Bộ GD&ĐT như: tổ chức cho trẻ em mẫu giáo làm quen tiếng Anh tại 12 huyện, thành phố, chương trình tiếng Anh tự chọn ở lớp 1 và lớp 2, 100% các cơ sở giáo dục phổ thông triển khai giảng dạy tiếng Anh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 3 đến lớp 12 theo Thông tư số 32 ngày 26/12/2018 của Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông nhằm đạt mục tiêu cơ bản của Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh là giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và các kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) và giúp học sinh kết thúc cấp Tiểu học đạt bậc 1, học sinh kết thúc cấp THCS đạt bậc 2, học sinh kết thúc cấp THPT đạt bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam theo Thông tư số 01 ngày 24/1/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 105, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tăng cường rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục công lập phù hợp với điều kiện thực tế phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, địa phương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời triển khai chương trình đảm bảo cơ sở vật chất đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông; mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục theo lộ trình đề ra.
DŨNG CHINH