Hội thi tiểu phẩm tuyên truyền về phụ nữ ngành Giáo dục

Sân chơi ấn tượng

Cập nhật ngày: 23/10/2013 04:34:12

Sau 2 ngày thi tài sôi nổi, Hội thi Tiểu phẩm “Tuyên truyền Đề án 343PN ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Đồng Tháp năm 2013” do Sở GD&ĐT tỉnh tổ chức vừa khép lại với giải Nhất thuộc về cụm huyện Tháp Mười, cụm huyện Lấp Vò đạt giải Nhì, 3 giải Ba được trao cho Trường Đại học Đồng Tháp, Phòng GD&ĐT thành phố Cao Lãnh và Phòng GD&ĐT huyện Tân Hồng.


Khen thưởng các đơn vị đạt giải

Tham dự hội thi có 26 tiểu phẩm của 26 cụm công đoàn trường và Phòng GD&ĐT các huyện, thị, thành trong tỉnh. Hầu hết tiểu phẩm đều tập trung tuyên truyền sự tiến bộ của phụ nữ trong ngành GD&ĐT; ca ngợi những tấm gương tiêu biểu của nữ giáo viên, học sinh, sinh viên trong học tập, lao động, sáng tạo và nuôi dạy con cái; ca ngợi phẩm chất của người phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phê phán nạn bạo hành đối với phụ nữ trong ngành GD&ĐT,...

Các tiểu phẩm đều là những câu chuyện cảm động, giàu tính nhân văn. Đó là một người mẹ hết lòng, hết sức vì sự học tập của các con dù căn bệnh nặng đang hoành hành trong cơ thể, gia đình gặp nhiều khó khăn hoặc là hình tượng người phụ nữ của một thời chiến tranh ác liệt hay sự đóng góp của những người phụ nữ trong ngành giáo dục hiện nay.

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh - thành viên Ban giám khảo, hội thi có số tiểu phẩm tham gia nhiều nhất từ trước đến nay ở phạm vi cuộc thi cấp tỉnh. Hội thi không chỉ đông về số lượng mà về chất lượng cũng đáng trân trọng. Các tác phẩm là nhiều câu chuyện rõ ràng, mạch lạc, có kịch tính, có mâu thuẫn, xung đột từ thấp đến cao, có sự kiện bất ngờ, hấp dẫn người xem. Công tác đạo diễn ở một số tiểu phẩm có sáng tạo trong thủ pháp tạo cho diễn viên thể hiện khá ấn tượng; xử lý những tình huống kịch tạo được cảm xúc cho người xem.

Về cảnh trí, đạo cụ, nhiều đơn vị đã chuẩn bị đầu tư khá tốt, không chỉ hình thành sự mỹ quan của vở diễn, mà còn làm rõ không gian của câu chuyện, làm điểm tựa cho diễn viên tự tin thể hiện vai diễn của mình. Tiêu biểu có các tiểu phẩm như: “Cánh diều tuổi thơ” của Cụm Công đoàn Trường THPT Tháp Mười, “Chuyện làm dâu” - Cụm Công đoàn Trường THPT Lấp Vò, “Một thời để nhớ” Phòng GD&ĐT huyện Tân Hồng,...

Ban giám khảo hội thi cũng thấy bất ngờ khi lực lượng diễn viên của ngành GD&ĐT trong tỉnh có nhiều tài năng diễn kịch, nhiều diễn viên thể hiện rất xuất sắc nhân vật của mình như: Hồng Thiếp, Yến Nhi (Cụm Công đoàn Trường THPT Tháp Mười), Vân Anh (Phòng GD&ĐT thành phố Sa Đéc), Giao Xuân, Diễm Trinh (Đại học Đồng Tháp), Thu Đông (Phòng GD&ĐT thành phố Cao Lãnh),... Thông qua nhân vật, các diễn viên đã tạo nên những tiếng cười ý nhị, nhẹ nhàng, sảng khoái, đồng thời làm cho người xem cảm thấy xao lòng, dẫn dắt người xem không rời được câu chuyện với những cảm xúc và ấn tượng mạnh.

Hội thi đã khép lại với những thành công và còn vài hạn chế nhất định, song, hơn hết, hội thi đã tạo được sân chơi lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần trong lực lượng giáo viên, sinh viên, học sinh, góp phần phát triển phong trào văn nghệ quần chúng của ngành GD&ĐT tỉnh nhà, đồng thời tuyên truyền có hiệu quả Đề án 343 thông qua hình thức văn nghệ. Bà Nguyễn Thúy Hà - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp cho biết, qua hội thi này, các tiểu phẩm dự thi xem như là “tài sản” để tiếp tục phát huy và công diễn ở các đơn vị và tuyên truyền lan tỏa rộng khắp trên địa bàn, làm cho các vai diễn, kịch bản hay có sức sống và sức tuyên truyền thật sự sâu rộng đến các đối tượng trong ngành GD&ĐT.

H.Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn