Tăng cường công tác quản lý, triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn

Cập nhật ngày: 07/05/2023 06:21:48

ĐTO - Năm học 2022 - 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có các hướng dẫn chuyên môn liên quan đến từng ngành học, cấp học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, chú trọng công tác triển khai, thực hiện nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, quản lý, giáo viên các ngành học, cấp học đáp ứng yêu cầu giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới, ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động nghiệp vụ, quá trình dạy và học.


Giáo viên cấp tiểu học tham gia tập huấn hoạt động ngoại khóa do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại TP Cao Lãnh

Đến nay, phòng chuyên môn trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố đã phối hợp thực hiện hoàn thành các chương trình tập huấn về chuyên môn, quản lý giáo dục, chương trình sách giáo khoa mới. Thông tin đến phụ huynh và học sinh những điểm mới trong việc lựa chọn, giảng dạy sách giáo khoa mới, các hoạt động giáo dục ngoại khóa gắn với lịch sử địa phương... Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các Đoàn thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại các trường mẫu giáo, mầm non, tiểu học, THCS, THPT về việc triển khai thực hiện các nội dung theo hướng dẫn. Qua kiểm tra, 100% các đơn vị đều có triển khai đến giáo viên các nội dung quan trọng; đội  ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chủ động cụ thể hóa các kế hoạch được giao phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị theo hướng đổi mới và phát triển năng lực người học.

Đối với chương trình giáo dục phổ thông mới, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, các đơn vị trường cử giáo viên cốt cán tham gia các lớp tập huấn về chuyên môn cấp tỉnh và các buổi hội giảng, thao giảng cấp huyện, thành phố tổ chức. Qua đó, giúp đội ngũ giáo viên có thêm kinh nghiệm trong giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn trực tuyến để giáo viên cốt cán trao đổi trực tiếp với các tác giả, chủ biên, tổng chủ biên sách giáo khoa các nội dung liên quan đến chương trình dạy, tiết dạy để có thể vận dụng trong quá trình giảng dạy.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, đối với ngành học mầm non, mẫu giáo, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trường đã triển khai, thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021 - 2025, 100% trường tổ chức chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non mẫu giáo. Đối với cấp tiểu học, ngoài các môn học theo quy định, một số đơn vị trường sau khi khảo sát, lấy ý kiến của phụ huynh học sinh đã duy trì việc dạy tiếng Anh tăng cường cho học sinh cấp tiểu học. Có 100% học sinh lớp 3 học 2 môn học bắt buộc là tiếng Anh và Tin học. Đối với cấp THCS, học sinh khối lớp 7 tiếp cận với các nội dung kiến thức theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức các hoạt động nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên theo hướng đảm bảo số lượng và chất lượng. Triển khai chương trình giáo dục lịch sử địa phương các khối lớp gắn với các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, giáo dục kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm và tư vấn hướng nghiệp. Tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn; khuyến khích giáo viên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong dạy học. Đồng thời thực hiện đề án, kế hoạch chuyển đổi số, cập nhật, quản lý và khai thác, sử dụng có hiệu quả các phần mềm quản lý, dạy học. Tùy theo nhiệm vụ được phân cấp, các đơn vị trường tổ chức nghiêm túc việc kiểm tra đánh giá chất lượng môn học, học kỳ, cả năm học, đảm bảo các tiêu chí, đúng thực chất theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo.

H.AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn