Tăng cường công tác quản lý và phát triển hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Cập nhật ngày: 01/03/2022 05:37:51
ĐTO - Chú trọng công tác quản lý và phát triển hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp (CSGDNN) góp phần đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động trong, ngoài nước. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã phối hợp cùng các đơn vị tổ chức, sắp xếp, đầu tư, nâng cấp hệ thống đào tạo, định hướng, hỗ trợ, kết nối với các đơn vị tuyển dụng. Qua đó, tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động hiệu quả trong công tác chuyên môn.
Học viên thực hành nghề trên thiết bị hiện đại trong quá trình học
Sở LĐ-TB&XH cùng các ngành đã thực hiện công tác tham mưu ban hành các văn bản liên quan đến lĩnh vực đào tạo nghề, việc làm phù hợp với tình hình, chủ động thích ứng trong từng thời điểm. Đồng thời chỉ đạo phòng chuyên môn tăng cường công tác thực tế nắm bắt các thông tin từ cơ sở để có biện pháp hỗ trợ và hướng dẫn các đơn vị trường, Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố kịp thời trong công tác triển khai, thực hiện kế hoạch năm, tuyển sinh, đào tạo, giới thiệu việc làm. Sở LĐ-TB&XH cùng các ngành liên quan đã triển khai các hoạt động liên quan đến công tác huy động nguồn lực đầu tư và phát triển giáo dục nghề nghiệp. Trong đó các dự án như “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” thuộc Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp – Việc làm và An toàn lao động và nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được sử dụng trong việc đầu tư cơ sở vật chất, phát triển chương trình, giáo trình đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng và hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo kế hoạch hàng năm của tỉnh. Phát huy hiệu quả trong quá trình hoạt động của các CSGDNN của tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu, đề xuất lộ trình sắp xếp, tổ chức lại CSGDNN tại các huyện và tiến hành hợp nhất. Bên cạnh đó đã hỗ trợ, tư vấn hướng dẫn thủ tục cho các doanh nghiệp có nhu cầu thành lập các trường, trung tâm GDNN tại các huyện, thành phố.
Với sự quan tâm của UBND tỉnh, huyện, thành phố, sự hỗ trợ của Sở LĐ-TB&XH, hoạt động của các CSGDNN ổn định, đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Các hình thức tư vấn, đào tạo nghề được các CSGDNN thực hiện với nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Không chỉ đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, phối hợp liên thông đại học, nhà trường còn tổ chức các lớp đào tạo thường xuyên theo nhu cầu của doanh nghiệp và người học. Nội dung chương trình đào tạo được cập nhật, quan tâm điều chỉnh phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động, việc ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư trang thiết bị trong giảng dạy, gắn kết với nhu cầu doanh nghiệp; chất lượng đào tạo nghề được nâng lên, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động, kết quả tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm luôn đạt trên 90%.
Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp là một trong những đơn vị trường có nhiều đổi mới trong công tác đào tạo, ngoài các hoạt động tuyển sinh, nhà trường còn chú trọng các kỹ năng ngoại khóa như tổ chức hội thi “Sản phẩm mới” tạo động lực và điều kiện cho sinh viên có nhiều sáng tạo, ý tưởng trong khởi nghiệp. Khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học và tham gia hội thi Eureka toàn quốc lần thứ 20 với chủ đề “Thử nghiệm sản xuất rượu vang khoai lang tím Nhật” tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đạt giải Ba;... Nhiều cựu học sinh, sinh viên vừa tốt nghiệp hoặc tốt nghiệp được vài năm đã thành lập dịch vụ, cửa hàng, công ty... Tại Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp, công tác tuyển sinh và nâng cao chất lượng hiệu quả công tác đào tạo gắn với giải quyết việc làm được Ban giám hiệu nhà trường chú trọng. Hiện trường có các nhóm ngành đào tạo cung cấp nguồn nhân lực cho ngành y tế trong, ngoài tỉnh. Tạo cơ hội để sinh viên tiếp cận với các hoạt động thực tế và trải nghiệm các kỹ năng trong môi trường làm việc tại các trung tâm y tế, bệnh viện, nhà thuốc, tập đoàn... Qua khảo sát, tỷ lệ sinh viên của trường có việc làm đạt trên 90%.
Trong năm 2022, Sở LĐ-TB&XH cùng các ngành liên quan và các CSGDNN tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý để thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN; tuyển mới giảng viên, giáo viên ngành nghề kỹ thuật. Tiếp tục chú trọng đầu tư sửa chữa, cải tạo CSGDNN công lập, trang thiết bị giảng dạy bảo đảm theo danh mục tối thiểu về thiết bị của nghề đào tạo, đáp ứng được yêu cầu của chương trình đào tạo, nhu cầu học nghề của học sinh, sinh viên. Khuyến khích hợp tác, liên kết giữa các CSGDNN với các cá nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng GDNN.
H.An