Thay đổi ở kỳ thi THPT Quốc gia 2017 chỉ mang tính kỹ thuật

Cập nhật ngày: 10/09/2016 05:38:09

Đó là nhấn mạnh của GS. TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - tại buổi tọa đàm với chủ đề "Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017" diễn ra tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ ngày 8/9.

Nội dung thi hoàn toàn trong chương trình

Giải đáp băn khoăn của thí sinh liệu những thay đổi có thể phù hợp với điều kiện, trình độ học sinh các vùng miền? Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng: Bộ GD&ĐT đã có khảo sát từ các đơn vị độc lập, tính toán kỹ đến vấn đề nếu áp dụng CNTT sẽ khiến các học sinh vùng sâu vùng xa khó tiếp cận.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thứ trưởng nhấn mạnh: Về nội dung, đề thi năm 2017 vẫn hoàn toàn nằm trong chương trình giáo dục phổ thông. Cách học không có gì thay đổi, không có sự phân biệt nào giữa vùng nông thôn với thành phố.

Năm 2016 cử các giáo viên, giảng viên số lượng lớn để coi thi, chấm thi rất tốn kém. Vì vậy sẽ tiến tới sử dụng hàng rào kỹ thuật để thay thế yếu tố con người. Thí sinh sẽ thi trên máy và chấm bằng máy.

Tuy nhiên, do điều kiện hiện nay chưa làm được nên thí sinh vẫn phải làm bài thi trên giấy và chấm hoàn toàn bằng máy quét để đảm bảo tính chính xác, khách quan, công bằng, minh bạch.

TS. Sái Công Hồng - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội - bày tỏ sự tin tưởng vào thành công khi tiếp cận với những cải tiến của kỳ thi 2016. Từ đây sẽ đưa ra những điều chỉnh làm sao cho phù hợp nhất cho các kỳ thi tiếp theo.

Trong xu thế quốc tế, việc đánh giá năng lực học sinh đang theo xu hướng tiến hành qua các bài thi, giảm khả năng học lệch, học tủ của thí sinh. Hiện nay, không riêng gì các nước tiên tiến, tại châu Á, Hàn Quốc cũng đã tiến hành cách đánh giá này.

Kỳ thi năm 2017 sẽ diễn ra trong 2 ngày, thời lượng của mỗi bài thi nhẹ nhàng hơn rất nhiều - từ 180 phút trắc nghiệm còn 90 phút. Điều đặc biệt là kỳ thi sẽ áp dụng được lý thuyết khảo thí hiện đại và công nghệ thông tin.

Phương án thi trên giấy hiện tại là hợp lý vì máy móc chưa đáp ứng được. Tránh được tính chủ quan của người chấm và tiêu cực trong quá trình thi. Để thực hiện tốt phải chuẩn bị rất kỹ càng, phải có lộ trình chi tiết làm sao để đảm bảo có một kỳ thi an toàn hơn, nghiêm túc hơn.

Theo đánh giá của PGS. TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ tốt và khách quan hơn vì ứng dụng công nghệ thông tin và vì vậy không có lý do gì các trường không lấy kết quả này để xét tuyển, trừ những trường thi năng khiếu. Tất cả nhằm mục đích làm thế nào để tiết kiệm nhất cho thí sinh và gia đình.


Ảnh minh họa 

Lưu ý về bài thi tổ hợp

Với câu hỏi: Liệu bài thi tổng hợp thì lượng kiến thức ôn tập sẽ nhiều hơn?

Ths Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng trường THCS/THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) - giải thích: "Không phải bài thi tổng hợp mà là bài thi tổ hợp: 20 câu hỏi môn Vật lý, 20 câu hỏi môn Hóa học, 20 câu hỏi môn Sinh học trong một bài thi Khoa học tự nhiên...

Bớt số buổi thi nên học sinh không nên quá lo lắng. Bộ GD&ĐT sẽ có những hướng dẫn cụ thể hơn. Sớm công bố đề thi minh họa để các em chủ động hơn.

Ngay khi tiếp nhận chỉ đạo về kế hoạch thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2017, các nhà trường ngay lập tức phải thay đổi từ công tác quản lý đến kế hoạch dạy và học. Giáo viên ở tất cả các môn học phải nghiêm túc thay đổi tư duy và phương pháp dạy học để có thể đáp ứng tốt nhất mục tiêu giáo dục, hướng học sinh yên tâm tích lũy kiến thức, chuẩn bị cho một kỳ thi thành công. Điều này sẽ giúp xóa bỏ dần ranh giới và khái niệm môn chính - môn phụ".

Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh thêm: "Thay đổi từ tổ hợp sang tích hợp hiện chúng ta chưa thể làm ngay được. Năm 2017 sẽ xây dựng bài thi theo hướng tổ hợp từ các môn riêng lẻ gộp lại. Những thay đổi này chỉ mang tính chất kỹ thuật làm cho thí sinh nhẹ nhàng hơn".

Giải đáp băn khoăn về chất lượng đề thi trắc nghiệm, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: "Ngân hàng đề thi lớn, được xây dựng từ kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế. Trong những năm vừa qua, Bộ GD&ĐT đã khuyến khích các trường ĐH tổ chức thi các phương án mới để Bộ nghiệm thu và nhân rộng. Nhiều năm qua đã xây dựng ngân hàng đề thi lớn, Bộ tiếp tục cập nhật để có ngân hàng đề thi lớn hơn. 3 năm qua, ĐH Quốc gia Hà Nội đã làm rất tốt nên Bộ rất yên tâm nhân rộng".

Bên cạnh chuẩn bị thực hiện sát hạch đầu vào chặt chẽ, các khách mời cũng khẳng định, việc kiểm soát chất lượng đầu ra của các trường ĐH là vô cùng quan trọng. Nếu các em không có năng lực, nếu có thể lọt vào trường cũng sẽ không thể ra trường được. Và vì vậy, nếu thi nghiêm túc thì sẽ có đầu vào tốt và kéo theo đầu ra sẽ tốt. Tất cả nhằm thực hiên tốt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục.

Đề thi không có chỗ cho "thủ thuật"

Chia sẻ về phương án hạn chế sử dụng thủ thuật làm bài trắc nghiệm, TS. Sái Công Hồng - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQG Hà Nội - cho biết: "Câu hỏi để có thể sử dụng thủ thuật thì không phải là câu hỏi tốt. Ngân hàng câu hỏi sẽ gồm những câu đã được tính toán kỹ lưỡng và thử nghiệm 5 năm tại ĐHQG Hà Nội.

Bên cạnh đó, chúng ta hoàn toàn đủ thời gian để cập nhật thêm câu hỏi vào ngân hàng đề thi có sẵn để phục vụ tốt nhất cho kỳ thi 2017. Rút đề thi ngẫu nhiên, tự động bằng máy tính, đảm bảo tương tự nhau về độ khó, mỗi học sinh có 1 đề trắc nghiệm khác nhau. Đề thi với các câu hỏi chuẩn hóa có thử nghiệm trực tiếp trên học sinh lớp 12.

Ngoài ra, trong phương án Bộ đưa ra có lộ trình vì các em có lựa chọn, kiến thức nằm trong lớp 12 nên sẽ không có nhiều bỡ ngỡ.

Trong quá trình thực hiện cấu trúc đề thi, đối với bài tự chọn có 40 câu, khả năng phân loại tương đối tốt, số lượng câu hỏi đủ để đánh giá và phân loại học sinh. Một đề thi được đánh giá là tốt khi số câu hỏi càng ít mà vẫn có tính phân loại tốt học sinh"

Cô Nguyễn Thị Thu Anh nhắn nhủ học sinh: "Cấu trúc đề thi và nội dung thi đã được Bộ GD&ĐT chỉ đạo, định hướng, vì vậy ngay từ đầu năm học cả thầy cô và nhà trường phải chủ động dạy làm sao cho học sinh có nhiều kiến thức nhất. Quan trọng là tính chủ động của học sinh.

Bản thân học sinh và thầy cô cần thay đổi tư duy dạy và học. Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ ra đề thi theo hướng "Học gì thi nấy" và như vậy trước mọi thay đổi, quyền chủ động luôn nằm trong tay chính các thầy cô giáo và các em học sinh".

Theo Kim Thoa/GD&TĐ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn