Tiếp tục tăng cường việc dạy và học ngoại ngữ năm học 2022 - 2023

Cập nhật ngày: 15/06/2022 09:00:01

ĐTO - Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), năm 2022, Sở GD&ĐT đã xây dựng Kế hoạch “Thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”. Năm học 2022 - 2023, công tác dạy và học ngoại ngữ theo kế hoạch trên sẽ tiếp tục được thực hiện. Trong đó, chú trọng các giải pháp đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ tại các cơ sở giáo dục đối với các cấp học, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giảng dạy ngoại ngữ tại các đơn vị trường trong toàn tỉnh.


Học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu (TP Cao Lãnh) có nhiều thuận lợi khi đề án dạy và học ngoại ngữ được thực hiện

Sở GD&ĐT đã triển khai, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố tập trung thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ đối với từng ngành học, cấp học. Đối với giáo dục mầm non, các đơn vị trường sẽ tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài hoặc giáo viên người Việt. Đối với giáo dục phổ thông, cấp Tiểu học duy trì việc thực hiện giảng dạy tiếng Anh chương trình 10 năm từ lớp 3 tại tất cả trường Tiểu học, phấn đấu tất cả học sinh từ lớp 3 được học tiếng Anh. Mặt khác, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đưa môn tiếng Anh là môn học bắt buộc với thời lượng 4 tiết/tuần dành cho học sinh lớp 3 (bắt đầu từ năm học 2022 - 2023). Các đơn vị trường còn tổ chức giảng dạy Chương trình tiếng Anh tăng cường theo các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (CAMBRIDGE, TOEFL PRIMARY) và Chương trình tiếng Anh tăng cường với giáo viên người nước ngoài và người Việt tại các trường Tiểu học trọng điểm tại các huyện và thành phố.

Đối với cấp trung học, việc dạy và học môn tiếng Anh đối với lớp 6, 7, 10 vẫn tiếp tục. Các khối lớp: lớp 8, lớp 9, lớp 11 và lớp 12 tiếp tục giảng dạy chương trình tiếng Anh với bộ sách giáo khoa của Đề án ngoại ngữ Quốc gia. Đặc biệt, sẽ triển khai, thực hiện chương trình dạy học môn Toán và một số môn khoa học bằng tiếng Anh tại các trường THCS trọng điểm ở TP Cao Lãnh, TP Sa Đéc, TP Hồng Ngự và Trường THPT chuyên Nguyễn Đình Chiểu (TP Sa Đéc) và THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu (TP Cao Lãnh) và mở rộng đến các đơn vị có đủ điều kiện thực hiện. Tiếp tục duy trì kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực ngôn ngữ người học, tập trung phát triển các kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết.

Trong quá trình triển khai, thực hiện, Sở GD&ĐT, các sở, ngành liên quan đã tạo điều kiện, vận dụng linh hoạt các nguồn vốn từ ngân sách địa phương, Trung ương đầu tư để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trường, lớp, thiết bị dạy và học. Toàn tỉnh có 191 trường gồm cấp Tiểu học, THCS, THPT được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đạt chuẩn. Ngoài ra, tổ chức bồi dưỡng năng lực sư phạm và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy ngoại ngữ cho giáo viên ngoại ngữ. Đến nay, toàn tỉnh có 35 lượt giáo viên tiếng Anh phổ thông và tổ chức bồi dưỡng kiến thức, phát triển 4 kỹ năng tiếng Anh theo chuẩn IELTS quốc tế cho 25 giáo viên tiếng Anh trung học cốt cán. 100 giáo viên bộ môn tiếng Anh được bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ, năng lực sư phạm.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT phối hợp cùng các sở, ngành tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ tiếng Anh cho công chức, viên chức và người lao động tỉnh Đồng Tháp theo Kế hoạch số 312/KH-UBND ngày 26/10/2021 của UBND tỉnh về việc tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ tiếng Anh cho công chức, viên chức và người lao động tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2025. Câu lạc bộ đã thu hút sự tham gia của hơn 237 công chức, viên chức và người lao động từ 150 cơ quan, đơn vị trong tỉnh.

Chuẩn bị cho năm học mới 2022 - 2023, đối với việc dạy và học ngoại ngữ, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, Phòng GD&ĐT tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh nhằm giúp học sinh có cơ hội rèn luyện, sử dụng ngôn ngữ, giúp duy trì và phát triển các kỹ năng tiếng Anh, chú trọng kỹ năng nghe, nói, đọc và viết, từng bước theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế. Đồng thời phối hợp với các Tổ chức khảo thí quốc tế kiểm tra năng lực đầu ra cuối cấp theo các Chứng chỉ quốc tế (IELTS, TOEFL và CAMBRIDGE) cho học sinh phổ thông ở những đơn vị có điều kiện thực hiện. Khuyến khích học sinh rèn luyện và tham gia học và thi các Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS và TOEFL để được miễn bài thi ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp THPT và ưu tiên trong xét tuyển đại học.

C.P.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn