Tự hào những giáo viên vùng giải phóng

Cập nhật ngày: 16/11/2012 05:49:38

Những năm chiến tranh, xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười là một chiến trường ác liệt. Lớp học vùng giải phóng được ngụy trang ẩn mình dưới buội tre gai, tán cây cà na, gáo, lớp được dựng tạm bằng thân tràm, lợp bằng những cọng đưng được cắt ngoài đồng, bàn ghế là cọc cây lót lên trên mấy tấm ván.


Bia tưởng niệm vụ thảm sát năm 1968 tại xã Thanh Mỹ

Những ngày chiến trường êm ắng, lớp học rộn ràng. Ngày bom đạn, máy bay quần đảo trên đầu, các cô giáo trở thành những người chiến sĩ che chở cho học sinh (HS), hướng dẫn các em tìm nơi ẩn nấp. Chiến trường ác liệt là vậy, nhưng cô Trần Thị Bích Dung và cô Phạm Thị Út Đua vẫn gan dạ bám trường, bám lớp bất chấp đạn bom, ngày ngày vẫn đến lớp để truyền đạt kiến thức cho HS.

Sáng ngày 18/5/1968, máy bay B52 của Mỹ rải bom dọc Kinh Nhứt, xã Thanh Mỹ. Sau đó, trực thăng đổ quân biệt kích Mỹ và Ngụy đánh vào khu vực ngang vàm bờ bao 307. 9 giờ sáng, tại điểm dạy học ấp Lợi An, dù đang bệnh nhưng cô giáo Dung vẫn đến trường. Lớp học vẫn diễn ra bình thường dù máy bay quần đảo trên đầu, lát sau chúng bắt đầu thả bom. Cả lớp học cùng những người dân xung quanh chui vào công sự. Sau đợt dội bom, chúng bắt đầu bắn và ném lựu đạn vào hầm trú ẩn làm 6 người chết. Ở một hầm gần đó, chúng lùa tất cả người ra, bắt đứng sắp hàng rồi xả súng bắn chết 16 người. Trong đó có cô giáo Trần Thị Bích Dung, mẹ cô Dung, những người khác cùng với 6 HS.

Là người đồng nghiệp với cô giáo Dung trong những ngày gian khổ, cô Phạm Thị Út Đua kể lại: “Điểm dạy tại ấp Lợi An có 22 em HS. HS đi bộ đến trường. Đang dạy thấy máy bay quần đảo trên đầu thì cô giáo cho các em nghỉ học, dẫn các em ra công sự ẩn nấp, tình hình động thì đưa các em về nhà. Dù gian khổ và nguy hiểm, nhưng cô Dung giảng dạy các em nhiệt tình, tận tâm và hết lòng thương yêu học trò...”.

Nối tiếp truyền thống cách mạng, lòng dũng cảm của cô giáo Dung, cô Út Đua, nhiều thế hệ học trò đã tự nguyện cầm súng tham gia đánh giặc, có người thành giáo viên vùng giải phóng tiếp tục sự nghiệp trồng người.


Thầy giáo Phạm Văn Trắc với công việc thường ngày

Điển hình như ông Phạm Văn Trắc, năm 17 tuổi, tham gia cách mạng, năm 1973 được xã đưa đi học sư phạm, sau đó trở về địa phương dạy học. HS của thầy Trắc là những em không theo gia đình tản cư. Những lúc bom đạn, địch càn, thầy giáo đưa HS vào công sự, địch hết quần đảo, lớp học lại bắt đầu. Sách không có, thầy phải đồ từng hàng trên quyển tập để các em về tập viết chữ. Lớp học giữa vùng Tháp Mười hoang hóa âm thầm tồn tại trong những ngày tháng của đạn bom.

Cuối năm 1973, chiến tranh diễn ra ác liệt, HS sơ tán, thầy Trắc gác lại chuyện dạy học và tham gia chiến trường, sau đó bị địch bắt. Đến năm 1975, giải phóng, thầy trở về mảnh đất Lợi An với những vết thương (hiện vẫn còn 1 viên đạn trong người). Trưởng thành ở mảnh đất đạn bom, sau giải phóng, người lính - thầy giáo Phạm Văn Trắc lao động sản xuất làm giàu trên mảnh đất của mình. Từ 3 công đất ruộng cha mẹ cho, vợ chồng ông chăm chỉ, siêng năng, quần quật làm đồng, chăn nuôi, làm mướn cho những người xung quanh.

Kiên trì, chịu khó, chắt chiu, vượt bao khó khăn vất vả, cuộc sống bắt đầu khấm khá. Cả 4 người con của ông đều được học hành, gia đình ông mới cất lại nhà khang trang, mua chiếc xe ô tô trị giá gần 700 triệu đồng để cho con trai chở thuê và cũng làm từ thiện. Ông Trắc kể: “Chiến tranh bom đạn cầm súng để bảo vệ quê hương, để HS vùng lung phèn biết chữ, chúng tôi gác súng trở thành những người thầy. Thời bình, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Suy nghĩ vậy mà gia đình tôi luôn cố gắng, tiết kiệm, dành dụm, để có được như ngày hôm nay. Bây giờ vùng đất này đã thay đổi nhiều; điện, đường, trường, trạm đều có đủ, cuộc sống sung túc ấm no. Đã thỏa lòng những người lính như tôi...”.

Câu chuyện về trận thảm sát tại ấp Lợi An với 16 người chết đã là câu chuyện của ngày hôm qua. Nhưng hình ảnh về cô giáo dịu dàng, che chở cho học trò trong vùng giải phóng trở thành một hình ảnh đẹp không thể xóa nhòa trong lòng người dân của ấp Lợi An. Ngày nay ở ấp Lợi An, xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười có một Trường Tiểu học mang tên trường tiểu học Trần Thị Bích Dung.

C. Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn