Cô Bùi Thị Thông - “Phú nông” ở Thạnh Lợi
Cập nhật ngày: 26/04/2019 15:52:16
ĐTO - Quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, cô Bùi Thị Thông (SN 1968) - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ (PN) ấp 4, xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười nỗ lực lao động, phát triển kinh tế gia đình. Từ vài công đất hoang ban đầu, với nghề làm ruộng, vợ chồng cô Thông tích lũy, mua dần dần được gần 350 công đất.
Cô Bùi Thị Thông (người thứ 6, từ phải sang trái) nhận Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
Sở hữu gần 350 công đất
Trò chuyện với cô Bùi Thị Thông trong ngôi nhà cấp 4 đã cũ, qua vẻ ngoài, ít ai ngờ đây là người có trong tay tài sản bạc tỷ. Cô Thông kể: Cô sinh ra và lớn lên trong gia đình không mấy khá giả. Năm 1987, cô lập gia đình, cha mẹ cho 1ha đất hoang hóa, rồi cải tạo trồng lúa. Lúc ấy, mang tiếng làm 10 công ruộng nhưng kinh tế gia đình rất khó khăn vì mỗi năm chỉ làm được 1 vụ, năng suất lại thấp. Vợ chồng cô cật lực lao động lấy công làm lời, không dám thuê mướn nhân công. Dần dần, Nhà nước xây dựng hệ thống thủy lợi nên làm lúa tăng vụ, tăng năng suất hơn. Bao nhiêu tiền lời từ nghề trồng lúa, cộng với vay thêm bên ngoài, cô đều mua đất ruộng. Đến cuối năm 1991, cô Thông mua tổng cộng 10ha ruộng.
Năm 2011, cô hợp tác sản xuất 6ha lúa giống cho Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (nay là Tập đoàn Lộc Trời). Thời điểm đó, giá mỗi kílôgam lúa giống cao hơn lúa thương phẩm từ 1.000 - 1.200 đồng. Vì mang lại hiệu quả kinh tế cao nên cô mạnh dạn tăng diện tích trồng lúa giống lên 17ha, thu nhập trung bình khoảng 1 tỷ đồng/năm. Với phương châm “Lấy đất mua đất”, hiện nay, vợ chồng cô Thông sở hữu gần 35ha, trị giá trên dưới 20 tỷ đồng. “Để có được tài sản như hiện tại thì tôi và chồng rất cực khổ, làm việc không kể giờ giấc. Vợ chồng tôi suy nghĩ phải cố gắng lao động, quyết tâm thoát nghèo để người khác không còn xem thường mình và đã thực hiện được” - cô Thông chia sẻ.
Cô phối hợp vận động và có 31 nông dân tham gia Tổ sản xuất lúa giống Thạnh Lợi với tổng diện tích trên 200ha. Nghề sản xuất lúa giống không chỉ tăng lợi nhuận cho nông dân trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác mà còn tạo việc làm, mang lại thu nhập cho nhiều người dân ở địa phương, trong đó có những hội viên PN.
Từ nhu cầu thực tế của các hộ trồng lúa giống như nhổ lúa tạp, cấy lúa, dặm lúa... nên Đội khử lẫn (hơn 30 thành viên) đã thành lập. Bên cạnh đó, Tổ hợp tác dịch vụ chăm sóc lúa giống chất lượng cao xã Thạnh Lợi cũng ra đời để chăm sóc lúa giai đoạn mạ. Tháng 3/2019, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thạnh Lợi thành lập trên cơ sở Tổ sản xuất lúa giống Thạnh Lợi do cô Bùi Thị Thông giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị. Hợp tác xã có hơn 140 xã viên, vốn điều lệ 1 tỷ đồng; hoạt động các dịch vụ như tưới tiêu, cung cấp lúa giống, vật tư nông nghiệp.
Nâng cao ý thức tiết kiệm cho phụ nữ
Dù việc gia đình rất bận rộn nhưng cô Thông vẫn dành thời gian tham gia phong trào PN ở địa phương. Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội PN ấp 4, cô lãnh đạo thực hiện nhiều mô hình tiết kiệm, thu hút chị em vào tổ chức PN. Mỗi tháng, các hội viên gửi vốn tiết kiệm từ 100 ngàn đồng trở lên. Số tiền này cho những chị em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn vay với lãi suất thấp để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, mua bán nhỏ... Một phần tiền lãi thu được sẽ trả lãi cho người gửi tiết kiệm; phần còn lại chi cho việc thăm hội viên bị bệnh, tổ chức tiệc nhân Ngày Quốc tế PN, tặng quà cuối năm, đóng góp quỹ khuyến học... Nhờ quản lý chặt chẽ nguồn vốn, công khai các khoản thu chi nên chị em an tâm gửi tiết kiệm. Năm 2018, hội viên Chi hội PN ấp 4 gửi tiết kiệm gần 650 triệu đồng.
Chi hội PN ấp 4 còn thành lập 2 Tổ PN hùn vốn, trong đó một tổ hùn mức 2 triệu đồng/người/quý. Đối với tổ còn lại, sau 4 tháng, mỗi thành viên hùn 5 triệu đồng. Với sự lãnh đạo của cô Bùi Thị Thông, Chi hội PN ấp 4 tích cực thực hiện mô hình “Hủ gạo tình thương” và “Nuôi heo đất khuyến học”. “Các tổ hùn vốn, gửi tiết kiệm vừa giúp chị em có thêm vốn sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, vừa là giải pháp hữu hiệu kích thích chị em vào Chi hội PN. Chi hội PN ấp 4 có 107 hội viên, tăng hơn 50 hội viên so với đầu năm 2016. Thông qua các buổi sinh hoạt tổ hùn vốn, gửi tiết kiệm, công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và những phong trào, cuộc vận động của Hội PN cấp trên cũng thuận lợi, hiệu quả hơn” - cô Thông cho hay.
Cô Bùi Thị Thông vinh dự nhận nhiều Bằng khen của UBND tỉnh. Đặc biệt, cô Thông được Hội Liên hiệp PN Việt Nam biểu dương, khen thưởng về thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2018. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Hội Liên hiệp PN xã Thạnh Lợi cho biết: “Từng sống trong cảnh nghèo khó, vợ chồng cô Thông nỗ lực lao động, quyết tâm làm giàu và cô đã làm được. Cùng với chí thú làm ăn, cô còn nhiệt tình tham gia công tác PN ở địa phương, được chị em tin tưởng, quý mến. Cô Thông là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống”.
NHỰT AN