Đạo đức cách mạng trong tư tưởng và di sản Hồ Chí Minh
Cập nhật ngày: 19/05/2022 07:51:55
Đạo đức và đạo đức cách mạng luôn chiếm vị trí nổi bật và nhất quán trong tư duy, tư tưởng, trong hành động, việc làm, phép ứng xử và lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ chiếc máy chữ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho ra đời nhiều văn kiện quan hệ đến vận mệnh của Tổ quốc. Ảnh: TƯ LIỆU
1. Suốt đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến đạo đức cách mạng và nêu gương mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng. Đó là điểm phát sáng, chói sáng trong tư tưởng và hành động của Người. Xét trên các văn phẩm lý luận thì hầu như tác phẩm nào của Người cũng đề cập tới vấn đề đạo đức, nhất là các tác phẩm về xây dựng Đảng cách mạng chân chính. Nói tới cán bộ, đảng viên, bao giờ Người cũng nhấn mạnh: đức là gốc. Đức và tài không tách rời nhau nhưng đức là gốc, phải có đủ 4 đức: cần - kiệm - liêm - chính, mới là người toàn vẹn. Thiếu một đức thì không thành người. Muốn có đạo đức cách mạng thì phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Đó là cuộc đấu tranh suốt đời, phải tự vượt lên những thiếu sót, yếu kém, thậm chí những tầm thường, xấu xa, hư hỏng của chính mình, nó xa lạ với phẩm chất đạo đức cách mạng. Đấu tranh từ bỏ chủ nghĩa cá nhân là cuộc đấu tranh với chính mình, phải có dũng khí tự phê bình và sẽ có không ít sự đau đớn ở trong lòng. Chỉ dẫn đó của Người thật thấm thía, sáng suốt về lý trí và sâu sắc về mặt tình cảm.
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tính Đảng, “phê bình và sửa chữa”, nhấn mạnh dũng khí tự phê bình và phê bình. Không ít lần Người đòi hỏi phải “tẩy sạch”, phải chữa cho “tiệt nọc” chủ nghĩa cá nhân, thói quan liêu, xa rời thực tế, xa dân, khinh dân, bệnh chủ quan, “coi khinh lý luận”, bệnh hẹp hòi, nhất là trong dùng người, thói ba hoa, nói nhiều làm ít, lời nói không đi đôi với việc làm, cùng bao nhiêu chứng bệnh, thói hư tật xấu khác. Tất cả đều là phát sinh từ một bệnh gốc, bệnh mẹ, đó là chủ nghĩa cá nhân - một thứ “giặc nội xâm”. Người đã từng cảnh báo, mọi sự suy đồi, tha hóa đều bắt đầu từ tha hóa về đạo đức, nhất là khi đã có chức, có quyền. Người đòi hỏi, phải nghiêm túc học hành lý luận và ra sức rèn luyện đạo đức. Thái độ và hành vi của cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo phải có ảnh hưởng tới quần chúng, tới phong trào, hoặc tốt hoặc xấu hoặc thành hay bại... đều do đạo đức cách mạng có chiến thắng chủ nghĩa cá nhân hay không?
Đề cập tới vấn đề cán bộ và công tác cán bộ là công việc gốc của Đảng, về cách dùng người, cách lãnh đạo, bao giờ Người cũng nêu cao vai trò của đạo đức, của trách nhiệm và sự nêu gương. Phải giáo dục, uốn nắn cán bộ, nghiêm khắc mà khoan dung, thường xuyên kiểm tra cán bộ để bảo vệ cán bộ, không để mất cán bộ vì hư hỏng. Do đó phải ráo riết phê bình và tự phê bình, từ đảng viên đến toàn Đảng. Phải thực hành đời sống mới, giải quyết thấu đáo quan hệ giữa cũ và mới. Cách mạng không có gì khác, chính là “phá cái cũ đổi ra cái mới”, “phá cái xấu đổi ra cái tốt”. Mọi việc lớn, nhỏ, trước mắt cũng như lâu dài, không có đạo đức cách mạng thì tài giỏi mấy cũng hỏng, không làm nên việc gì, xa dân thì không làm nổi việc gì, như sau này Người đã nhấn mạnh.
3. Năm 1948, Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. Năm 1949, Người viết bài báo nổi tiếng “Dân vận”, chỉ ra bản chất, vai trò của công tác vận động quần chúng, coi dân chủ là nền tảng lý luận của dân vận, là cơ sở khoa học và đạo đức của “Dân vận khéo”, phê phán gay gắt căn bệnh nguy hiểm của không ít người là “xem khinh việc dân vận”. Đặc biệt là vào tháng 12-1958, Người tập trung viết tác phẩm lý luận có dung lượng lớn với tựa đề nổi bật “Đạo đức cách mạng”. Người phân tích thấu đáo về những biểu hiện của đạo đức cách mạng, đặt nó đối lập với chủ nghĩa cá nhân, nhấn mạnh phải đấu tranh đánh bại, tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân; không như vậy thì không thể đưa sự nghiệp cách mạng tới thắng lợi, không thể xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Tác phẩm chứa đựng nhiều tư tưởng lớn về đạo đức cách mạng, là một tác phẩm kinh điển về đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh (với bút danh Trần Lực). Năm 1960, vào dịp Đảng ta tròn 30 năm lịch sử, Người khẳng định “Lịch sử Đảng ta là một pho lịch sử bằng vàng”, “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.
Năm 1969, năm cuối cùng trong cuộc đời của mình, cũng vào dịp sinh nhật Đảng lần thứ 39 (3-2-1930 - 3-2-1969), Người đã công bố tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Đó là một tổng kết lớn về đạo đức cách mạng, từ lý luận đến thực tiễn, trình bày một hệ thống các vấn đề về xây dựng đạo đức cách mạng và kiên quyết đánh bại chủ nghĩa cá nhân, phân biệt một cách chính xác và vô cùng tinh tế: chống chủ nghĩa cá nhân không có nghĩa là coi thường cá nhân, không phải là giày xéo lên những gì chính đáng và hợp lý của cá nhân con người. Khi viết tác phẩm quan trọng này, Người cũng đã soạn thảo, sửa chữa, bổ sung “Tài liệu tuyệt đối bí mật”, đó là Di chúc, được Người chuẩn bị và khởi thảo từ tháng 5-1965. Người khiêm nhường gọi là “thư cho đồng bào, đồng chí”, là “mấy lời để lại”. Đây là nơi quy tụ, hội tụ, chắt lọc những gì tinh túy nhất về đạo đức cách mạng, về chống chủ nghĩa cá nhân; đủ thấy Hồ Chí Minh là hiện thân sinh động, là biểu tượng cao quý biết nhường nào về đạo đức cách mạng.
GS HOÀNG CHÍ BẢO Chuyên gia cao cấp,
nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương
Theo SGGPO