Lương y gia truyền làm theo lời Bác
Cập nhật ngày: 04/01/2016 13:08:49
Lương y gia truyền Hồ Tấn Đực (ông Tư Đực) ngụ xã An Bình A, TX.Hồng Ngự, Đồng Tháp đã có 40 năm gắn bó với công việc khám bệnh, bốc thuốc nam miễn phí phục vụ bệnh nhân nghèo (có Bằng Lương y do tỉnh cấp). Ông còn là người “khởi sướng” thành lập Tổ cất nhà tình thương để giúp đỡ cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Lương y Hồ Hồ Tấn Đựcm khám bệnh cho người dân
Ông kể, theo nghề gia truyền từ năm 1975, ông bắt đầu làm công việc khám bệnh, bốc thuốc nam trong xã hoàn toàn miễn phí.
Với tấm lòng thiện nguyện, ông Tư Đực luôn chăm sóc bệnh nhân như chính người thân của mình, từ đó tạo ấn tượng tốt đẹp đối với từng bệnh nhân khi đến điều trị bệnh. Mỗi ngày, ông Tư khám bệnh và bốc thuốc nam cho khoảng 20 lượt bệnh nhân. Nguồn dược liệu của nhà thuốc nam được các mạnh thường quân, các vị chức sắc, các lương y tự nguyện đi khắp nơi tìm kiếm; kinh phí cho mỗi lần sưu tầm cây thuốc được các phật tử, mạnh thường quân và bệnh nhân tài trợ. Hàng năm, ông khám bệnh cho khoảng 5.000 lượt bệnh nhân, bốc hơn 15.000 thang thuốc nam, trị giá hàng triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn phối hợp với chính quyền địa phương vận động mạnh thường quân và người dân mua 1.000m2 đất làm nghĩa địa từ thiện; mua xe chuyển bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo và đóng hòm tặng cho người nghèo khi qua đời.
Trong xây dựng nông thôn mới, ông gương mẫu hiến 100m2 đất để làm đường lộ nông thôn, tạo được sự tín nhiệm của người dân xung quanh. Từ đó, ông cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động và nhận được sự đồng thuận của các hộ dân trong xã tự nguyện hiến đất làm các tuyến đường liên ấp, liên xã, xây dựng các công trình phúc lợi của xã, góp phần thực hiện hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ông Tư Đực chia sẻ: “Những gì chúng ta làm hôm nay là thành quả để lại cho các thế hệ con cháu chúng ta sau này thụ hưởng, làm việc tốt cho xã hội mình nên làm, giúp đỡ cho bà con, giúp đỡ cho xã hội, bản thân tôi cảm thấy rất vui. Tôi tự nghĩ, việc học theo những điều Bác Hồ dạy là chúng ta cần nên làm những việc thiện, giúp đỡ cho xã hội, trong điều kiện mình có khả năng làm, có ít thì giúp ít, có nhiều giúp nhiều, không có tài sản thí giúp công lao động. Tôi hiểu, xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân nông thôn. Các công trình nông thôn phải được người dân tham gia và chính người dân là người hưởng thụ trực tiếp. Vì vậy, người dân phải chung tay góp sức để xây dựng nông thôn mới, mỗi người hy sinh một phần lợi ích cá nhân cùng với Nhà nước để sớm hoàn thành mục tiêu”.
Năm 2004, ông Tư Đực đứng ra thành lập Tổ cất nhà tình thương (Tổ có 13 thành viên). Mỗi năm, Tổ cất được khoảng 15 căn nhà, trị giá mỗi căn khoảng 12 triệu đồng, kinh phí do ông tư Đực cùng các thành viên trong Tổ và chính quyền địa phương vận động các mạnh thường quân trong và ngoài địa phương đóng góp. Từ đó, kịp thời giúp đỡ cho nhiều gia đình nghèo đang gặp khó khăn về nhà ở, tạo điều kiện thuận lợi để các gia đình an tâm lao động sản xuất.
Việc làm của Tổ được nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong và ngoài xã biết đến như một địa chỉ nhân đạo. Các mạnh thường quân tự liên hệ tìm đến Tổ để ủng hộ tiền, gỗ các loại hoặc những dụng cụ như: máy cưa cây, máy khoan, máy bàu và các đồ dùng, dụng cụ khác..., nhờ đó Tổ có thêm điều kiện cất được nhiều căn nhà hơn cho hộ gia đình khó khăn. “Trước đây, thấy bà con địa phương có nhà ở bị xiêu vẹo, dột nát nên anh em rủ nhau thành lập Tổ để giúp đỡ cho bà con nghèo. Anh em nhận thấy việc làm này có ý nghĩa, nên ai cũng phấn khởi tham gia” - ông Tư Đực kể.
Trường hợp của anh Lê Hoàng Cường (SN 1977, ngụ ấp An Lợi, xã An Bình A, TX.Hồng Ngự), trước đây, căn nhà của anh nhỏ hẹp, bị dột nát, có thể sập bất cứ lúc nào. Anh Cường thuộc diện hộ nghèo, không đất sản xuất, việc làm không ổn định, ai thuê gì làm nấy. Đối với anh, việc sửa chữa hoặc cất mới lại căn nhà là vô cùng khó khăn. Được chính quyền địa phương và Tổ vận động các mạnh thường quân đóng góp tiền, gỗ, tôn..., để cất mới lại căn nhà, trị giá khoảng 12 triệu đồng. Anh Cường cho biết: “Trước đây, mỗi khi trời mưa tôi ngủ không được vì sợ nhà sập, tội nghiệp nhất là mấy đứa nhỏ. Giờ đây, căn nhà được cất mới, tôi rất mừng và yên tâm chí thú làm ăn”.
Từ khi được thành lập Tổ đến nay, các thành viên đã tổ chức cất mới và sửa chữa hơn 130 căn nhà tình thương cho hộ nghèo; bắc trên 30 cây cầu gỗ qua các kênh, rạch tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân sản xuất nông nghiệp; tham gia cùng với chính quyền địa phương rải đá lộ nông thôn hơn 16km; tặng trên 8.000kg gạo cho gia đình nghèo và tặng sách vở cho học sinh nghèo với tổng số tiền trên 1,8 tỷ đồng.
Ông Dương Minh Hanh - Phó Chủ tịch UBND xã An Bình A cho biết: “Những việc làm của ông Hồ Tấn Đực góp phần cùng với chính quyền địa phương giúp hộ nghèo có căn nhà lành lặn để che mưa che nắng, an tâm lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, ông Đực còn hiến đất và vận động nhân dân di dời những vật kiến trúc, cây xanh để xây dựng các công trình nông thôn mới của xã, góp phần cho việc thi công đúng tiến độ”.
Ông Hồ Tấn Đực đã được cấp ủy, chính quyền xã An Bình A biểu dương, khen thưởng và 2 năm liền được Thị ủy Hồng Ngự biểu dương khen thưởng về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
DƯƠNG ÚT