Nhận thức đúng yêu cầu của chủ trương để hành động đúng
Cập nhật ngày: 22/03/2017 10:07:41
Ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đây là một chủ trương được kế thừa từ cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7/11/2006 và Chỉ thị số 03- CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị. Cũng như những cuộc vận động trước đây, ý nghĩa và yêu cầu chủ trương này cần được nhận thức đúng để hành động đúng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam, xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Với những đóng góp to lớn cho dân tộc và nhân loại, Người được nhân dân Việt Nam và tổ chức quốc tế suy tôn là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Trong quá trình đem lại sự hồi sinh cho Quốc gia và dân tộc, Người đồng thời để lại một tài sản vô giá về tư tưởng, đạo đức, phong cách của mình cho các thế hệ người Việt Nam.
Tư tưởng của Người là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt nam. Đó là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam như: Tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh...
Đạo đức của Người là sự nghiền ngẫm, thẩm thấu đạo đức Đông - Tây. Nó là một hệ thống quan điểm cơ bản và toàn diện về vị trí, vai trò, chuẩn mực giá trị và các nguyên tắc xây dựng đạo đức. Tấm gương đạo đức sáng ngời của Người ở chỗ: Suốt đời vì nước, vì dân; ý chí và nghị lực tinh thần to lớn, vượt qua mọi thử thách, khó khăn để đạt được mục đích; hết lòng thương yêu, quý trọng, phục vụ nhân dân; nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu, luôn hết mực vì con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đời riêng trong sáng, nếp sống giản dị và hết sức khiêm tốn...
Phong cách Hồ Chí Minh là một nét đặc sắc mang đậm dấu ấn của Người, nó phản ánh những giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức của chính mình, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ. Đó là một tổ hợp phong cách tư duy khoa học và hiệu quả; phong cách lãnh đạo và làm việc trách nhiệm; phong cách diễn đạt trong sáng, bình dị; phong cách ứng xử chân thành, bình dị, tự nhiên; phong cách sống giản dị, thanh cao...
Từ những đặc điểm cá nhân và gia đình, sự ảnh hưởng của quê hương và đất nước, độ dài trải nghiệm của bản thân trong quá trình học tập, lao động và hoạt động cách mạng... đã hun đúc, tôi luyện nên tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Phải có một nền nhân cách và tầm cao trí tuệ mới có thể lĩnh hội được những học thuyết lớn đương đại để nung nấu nên tư tưởng, nhân cách, phong cách vĩ đại. Hiểu sâu sắc điểm này, chúng ta càng nhận thức được bản chất của vấn đề học tập và làm theo. Để có được quan niệm đúng và hành vi sống tích cực là một quá trình gạn đục khơi trong và cọ sát, luyện tập. Mỗi một người đều có điểm xuất phát riêng với độ tiếp nhận môi trường sống, môi trường giáo dục khác nhau và do đó sẽ có lối hành xử khác nhau. Mặt khác, các nhân tố của xã hội là đa dạng và sự tác động của nó đến mỗi người với mức độ và cách thức khác nhau. Như vậy, các yếu tố khách quan và chủ quan đều đưa đến tính tự nhận thức, tự rèn luyện của mỗi người khi học tập và làm theo.
Nói gọn lại, tự giác tiếp nhận một tư tưởng, “bắt chước” một mẫu người hoặc một hành vi là một quá trình chuyển hóa từ “ngoại sinh” đến “nội sinh” và trở thành cái của mình. Ở đây, sự áp đặt và lối chỉ đạo theo kiểu “phong trào” (cách làm rầm rộ một lúc rồi bỏ qua) sẽ không có tác dụng thực. Cũng từ bản chất của Chủ trương, mỗi tổ chức phải tự chọn nội dung gần gũi, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình mà xây dựng kế hoạch để làm theo. Cần lưu ý rằng, mỗi giai đoạn cách mạng có những yêu cầu riêng, nội hàm sâu thêm của nó. Loài người luôn vươn đến thịnh vượng và hạnh phúc nhưng tiêu chí thịnh vượng, hạnh phúc được xác lập ở mỗi bậc thang của nó là khác nhau. Tương tự như vậy, hành trình đi đến hoàn thiện nhân cách là một quá trình sàng lọc, đấu tranh, củng cố lâu dài bằng các bước tiệm tiến.
Mỗi người, mỗi tổ chức tự giác, tự làm, tự chuyển biến về tư tưởng, đạo đức, phong cách để ngày càng tốt hơn, dần dần hoàn thiện hơn là sợi chỉ xuyên suốt, là cái lõi của Chủ trương. Để cho phát triển tự phát hoặc ngược lại, nôn nóng ngày một ngày hai hay áp đặt mô hình nào đó đều trái với tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhận thức đúng là cội nguồn của hành động đúng. Điều đặt ra đối với mỗi chúng ta là có “mỏi gối chồn chân” trên con đường đúng đắn ấy hay không mà thôi.
DÂN BIỆN