Nhiều cán bộ, hội viên cựu chiến binh thờ cúng Bác Hồ

Cập nhật ngày: 23/05/2018 10:19:39

ĐTO - Tưởng nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị cha già kính yêu của dân tộc, nhiều cán bộ, hội viên cựu chiến binh (CCB), người dân huyện Châu Thành đã treo ảnh Bác Hồ nơi trang nghiêm và tổ chức lễ giỗ Bác Hồ.


Gia đình cựu chiến binh Trần Kim Lân thờ ảnh Bác Hồ suốt hơn 40 năm qua

Nhà nhà thờ ảnh Bác Hồ

Đến ấp Tân Thuận, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành chúng tôi hỏi về ông Trần Kim Lân (tên thường gọi Hai Lân) hầu như ai cũng biết. Người dân địa phương biết ông Hai bởi ông là một Đại tá về hưu, tích cực với công tác khuyến học khuyến tài và là người thờ cúng, tổ chức lễ giỗ Bác Hồ suốt nhiều năm qua.

Ông Hai Lân cho hay: “Tôi xuất thân từ quân đội, được giáo dục nhiều về chính trị tư tưởng. Công lao của Bác Hồ đối với dân tộc to lớn nên tôi tôn kính Bác vô cùng. Từ khi đất nước hòa bình (năm 1975) đến nay, tôi thờ Bác Hồ và thắp nhang hàng ngày. Tôi còn vận động anh em, người thân treo ảnh Bác trong nhà, nếu có điều kiện thì thờ cúng như tôi”.

Ngoài ông Hai Lân, nhiều gia đình cán bộ, hội viên CCB trong xã Tân Nhuận Đông cũng thờ Bác, treo ảnh Bác. Đồng chí Nguyễn Thái Thới - Phó Chủ tịch Hội CCB xã Tân Nhuận Đông khẳng định, 220/220 gia đình cán bộ, hội viên CCB của xã đều có treo ảnh Bác.

Theo đồng chí Trần Thanh Bình - Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Châu Thành, việc treo ảnh Bác Hồ để mỗi cán bộ, hội viên nhìn thấy Bác hàng ngày và tự soi rọi lại bản thân mình qua tấm gương của Bác, từ đó giúp nhận thức, hành động của các đồng chí nâng lên; tích cực tham gia những hoạt động của Hội và phong trào ở địa phương; tương trợ, giúp đỡ nhau lúc khó khăn; dạy dỗ con cháu nên người. Hội CCB huyện đã phát động phong trào treo ảnh Bác từ rất lâu. Ban đầu, tập trung trong cán bộ Hội CCB các cấp, sau đó phát động toàn thể hội viên và được cán bộ, hội viên CCB đồng tình cao. Hội CCB mua và tặng ảnh Bác cho gia đình hội viên khó khăn về kinh tế. Hiện nay, 100% cán bộ, hội viên CCB (với hơn 1.800 đồng chí) treo ảnh Bác Hồ nơi trang nghiêm trong gia đình. Việc làm ý nghĩa này đã lan tỏa ra một số đảng viên và quần chúng nhân dân.

Đồng chí Trần Kim Thanh - Bí thư Chi bộ ấp Phú Nhuận, xã Tân Nhuận Đông cho biết: “25/25 đảng viên trong chi bộ đều có treo ảnh Bác trong nhà. Chi bộ vận động, hướng dẫn nhân dân treo ảnh Bác nơi trang trọng và đã có khoảng 70 - 80% người dân thực hiện”. Không chỉ lan tỏa phong trào treo ảnh Bác trong lực lượng CCB mà nhiều địa phương của huyện Châu Thành và hộ dân còn tổ chức lễ giỗ Bác hàng năm.

Tổ chức lễ giỗ Bác Hồ hàng năm

Đồng chí Võ Đình Trọng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Nhơn cho biết : “Suốt mấy chục năm nay, năm nào xã An Nhơn cũng tổ chức giỗ Bác ngay ngày Bác mất (2/9) tại khuôn viên trụ sở UBND xã An Nhơn. Không cần mời, hàng năm, nhiều cán bộ lão thành cách mạng tự nhớ ngày về dự giỗ Bác. Hàng trăm người gồm cán bộ, lãnh đạo địa phương, cán bộ hưu trí, đảng viên, người dân... có mặt trong ngày giỗ Bác”. Ngoài lễ giỗ do Đảng ủy, UBND xã An Nhơn và Hội CCB phối hợp tổ chức thì một số chi hội CCB cũng làm lễ giỗ Bác. Lễ giỗ Bác nhằm kỷ niệm ngày Bác mất, tưởng nhớ công ơn của Bác; giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Đây cũng là dịp để cán bộ hưu trí gặp gỡ, trao đổi, đóng góp ý kiến quý báu về công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương... “Việc tổ chức giỗ Bác mang rất nhiều ý nghĩa. Năm nào tôi cũng nhớ ngày đến dự. Tôi mong thời gian sau này, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục duy trì thực hiện” - bác Nguyễn Văn Định (SN 1944) cán bộ lão thành cách mạng ở xã An Nhơn nói.

Khoảng 8 năm nay, mỗi năm, Đảng ủy, UBND, Hội CCB xã Tân Nhuận Đông và Đình Tân Nhuận Đông đều phối hợp làm lễ giỗ Bác Hồ. Giỗ Bác được tổ chức tương tự giỗ truyền thống của người dân địa phương, cũng gói bánh, nấu một số món ăn. Trong buổi lễ, lãnh đạo địa phương, các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ, đảng viên cùng đông đảo nhân dân được nghe lại nội dung bản Di chúc của Bác Hồ; thắp hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó, nhân dân và cán bộ, đảng viên trong xã tham gia các trò chơi dân gian, đố vui có quà. Kinh phí tổ chức lễ giỗ chủ yếu từ nguồn xã hội hóa.

Theo Hội CCB huyện Châu Thành, việc làm lễ giỗ Bác Hồ được thực hiện đầu tiên tại xã An Nhơn. Đến nay, hàng năm, 12/12 Hội CCB xã, thị trấn đều phối hợp tổ chức giỗ Bác. Một số hội viên CCB, người dân trong huyện Châu Thành cũng tổ chức lễ giỗ Bác Hồ tại nhà. Thờ ảnh Bác Hồ, tổ chức giỗ Bác Hồ là nét văn hóa tốt đẹp, thể hiện tấm lòng hiếu kính, nhắc nhở mọi người học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

NHỰT AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn