Phong phú những mô hình học tập và làm theo gương Bác
Cập nhật ngày: 12/10/2019 09:45:43
Kỳ 2: Đồng lòng làm việc tốt
ĐTO - Từ khi triển khai việc học tập và làm theo gương Bác, nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân có chuyển biến tích cực. Với nhận thức đúng đắn, nhiều tập thể, cá nhân tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của mình mà có những việc làm thiết thực, hữu ích góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tỉnh nhà.
>> Kỳ 1: Nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo
Trao tiền hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn từ Chương trình “Nâng bước em đến trường”
Hành động nhỏ, lợi ích to
Hầu hết đảng bộ, chi bộ, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong tỉnh đều học đức tính cần, kiệm của Bác. Có khi đó là những việc làm nhỏ nhưng mang lại hiệu quả tích cực. Từ nhiều năm nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Tháp lãnh đạo thực hiện và duy trì tốt mô hình “Hũ gạo tình thương”. Các Đồn biên phòng đều thực hiện mô hình này, được cán bộ, chiến sĩ đồng tình, ủng hộ. Trước khi nấu ăn, chiến sĩ nuôi quân bớt một phần gạo trong khẩu phần ăn hàng ngày của bộ đội cho vào “Hũ gạo tình thương”; cán bộ, chiến sĩ còn đóng góp phụ cấp, lương hàng tháng. Số gạo và tiến tiết kiệm được sẽ tặng một số hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở địa bàn đơn vị đứng chân (mỗi hộ nhận 20kg gạo và 200 ngàn đồng). Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh còn duy trì đóng góp Chương trình “Nâng bước em đến trường” nhiều năm nay. Các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 đang sinh sống và học tập tại các xã biên giới, địa bàn đơn vị đóng quân, có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha mẹ... sẽ được nhận “đỡ đầu” (hỗ trợ mỗi em 500 ngàn đồng/tháng). Nhờ đó, góp phần cùng địa phương thực hiện công tác an sinh xã hội, giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường, thiết thực thể hiện tình quân - dân gắn kết.
Còn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị trấn Lấp Vò và Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo thị trấn phối hợp vận động, thành lập Tổ từ thiện giúp đỡ bệnh nhân nghèo với 24 thành viên. Các thành viên là những tín đồ Phật giáo Hòa Hảo và người dân có lòng nhân ái, tham gia tổ trên tinh thần tự nguyện. Hàng tháng, mỗi thành viên đóng góp từ 50 ngàn đồng trở lên. Tất cả số tiền này dùng vào việc hỗ trợ bệnh nhân nghèo điều trị bệnh. Ông Nguyễn Thế Trường - Tổ trưởng Tổ từ thiện giúp đỡ bệnh nhân nghèo thị trấn Lấp Vò cho hay: “Khi nhận được đơn yêu cầu giúp đỡ của bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân, đại diện tổ từ thiện cùng Mặt trận Tổ quốc và Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo thị trấn tranh thủ sớm đến nhà xác minh; cùng nhau bàn bạc, thống nhất số tiền hỗ trợ người bệnh. Tùy hoàn cảnh gia đình, tình trạng sức khỏe... của bệnh nhân, tổ giúp đỡ mỗi trường hợp từ 500 ngàn đồng đến 3 triệu đồng”.
Một số thành viên Tổ Từ thiện xã hội xã Tân Mỹ tham gia cất nhà cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn
Sẵn sàng vì mọi người
Giữa cuộc sống bộn bề lo toan, xung quanh chúng ta vẫn còn nhiều lắm những người có tấm lòng “hào hiệp”, tinh thần tương thân tương ái. Tuy kinh tế có thể chẳng dư dả nhưng những thành viên của Tổ từ thiện xã hội (TTXH) xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình lại giàu lòng thương người. Đời sống gia đình chú Lê Văn Phước (SN 1963) ngụ ấp 4, xã Tân Mỹ còn khá chật vật vì chủ yếu phụ thuộc vào 2 công ruộng. Song, chú vẫn sắp xếp việc nhà, bỏ vài ngày đi làm mướn để cùng đi cất nhà tình thương. Chú Phước tâm sự: “Bản thân tôi đã khổ cực nhưng thấy có người còn khổ hơn nhiều lần. Trong khả năng của mình, tôi muốn góp chút công sức giúp bà con có chỗ ở vững chắc. Đối với tôi, đâu cần giàu sang mới có thể giúp đỡ người khác, không có tiền ủng hộ thì tôi góp công”. Hơn 2 năm qua, Tổ TTXH xã Tân Mỹ hỗ trợ cất gần 50 căn nhà tình thương và sửa chữa 14 căn, tổng trị giá trên 850 triệu đồng. Ở Đồng Tháp còn có nhiều tập thể khác với thành tích nổi bật trong việc cất nhà tình thương như Tổ cất nhà tình thương số 2 (xã Định Yên, huyện Lấp Vò); Tổ cưa xẻ gỗ cất nhà tình thương ấp Nam (xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình); Hội Chữ thập đỏ xã An Hòa, huyện Tam Nông... Bên cạnh đó, Đồng Tháp không thiếu những tập thể, cá nhân tích cực vận động, tổ chức bắc cầu, làm đường nông thôn; giúp đỡ người nghèo, khuyết tật, trẻ em mồ côi.
Trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, không nghĩ đến lợi ích cá nhân, hiến đất xây dựng các công trình phục vụ dân sinh. Chẳng hạn như cựu chiến binh Phan Thanh Hồng (SN 1960) ở ấp 1, xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười tự nguyện giao phần đất ruộng rộng hơn 2.000m2 để làm đường kênh Lô 3 và cống hở trạm bơm; trước đây, ở thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, có ông Dương Văn Tường (SN 1937) tình nguyện hiến phần đất mặt tiền dài trên 60m, rộng 10,5m với tổng diện tích hơn 630m2, trị giá trên 1 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Huệ... Còn ông Phạm Văn Sía (tên thường gọi Hai Sía) hiến hơn 1.000m2 đất để làm đường Vành Đai (ấp Tân Thới, xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình). “Thiệt tình, tôi cũng tiếc vì diện tích đất mất khá nhiều. Nhưng tôi nghĩ phải hy sinh chút quyền lợi cá nhân để đường sớm hoàn thành. Vì có đường giao thông sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Con đường nhựa hiện tại thay thế con đường đất nhỏ xíu trước đây. Giờ, nông dân chúng tôi bán rau màu thì xe tải dễ dàng chạy vào chở hàng” - chú Hai Sía tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Thuận thường xuyên kiểm tra phương tiện nhằm đảm bảo an toàn, sẵn sàng chuyển bệnh nhân miễn phí
Lan tỏa điều hay
Chính việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh góp phần tác động tích cực đến ý thức của nhiều người. Thời gian gần đây, nhiều tấm gương không tham của rơi, nổi bật là trong lực lượng học sinh (HS) được tuyên truyền, biểu dương qua các phương tiện thông tin đại chúng. Dù có hoàn cảnh khó khăn nhưng khi nhặt được của rơi (vàng, tiền mặt...), nhiều em vẫn tìm cách để trả cho người đánh mất. Điển hình như các em: Huỳnh Thị Như Ý, Nguyễn Thị Ngọc Ý - HS Trường Tiểu học Giồng Găng (xã Tân Phước, huyện Tân Hồng); Hồ Lý Hương Thương - HS Trường THPT Đốc Binh Kiều, Nguyễn Lê Bảo Ngọc - HS Trường THCS thị trấn Mỹ An (huyện Tháp Mười) và nhiều HS khác. Thật sự, chính việc học tập và làm theo gương Bác đã góp phần thúc đẩy những điều tốt đẹp trong cuộc sống lan rộng.
Ở Đất Sen hồng, có không ít người rất giàu lòng nhân ái. Họ bỏ thời gian, công sức cặm cụi đi vá “ổ gà”, “ổ voi” trên đường để mọi người lưu thông an toàn như bà Nguyễn Thị Xuân Thu (xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng); bà Nguyễn Thị Phượng Thu (phường 4, TP.Sa Đéc); ông Mai Văn Phước (phường Mỹ Phú, TP.Cao Lãnh)... Hay ở xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự có “Biệt độ vá đường” với hơn 15 thành viên gồm những lão nông U70, U80 và những thanh niên, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, miễn là có tinh thần thiện nguyện. Người phụ nữ nghèo tên Trần Thị Kim Thia ngụ ấp 4, xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười nổi tiểng khắp cả nước với việc dạy bơi miễn phí cho hàng ngàn đứa trẻ ở địa phương trong suốt hơn 16 năm qua. Bà Trần Thị Kim Thia là 1 trong 3 phụ nữ đại diện Việt Nam lọt vào danh sách 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu năm 2017 do hãng tin Anh BBC bình chọn. Riêng ông Nguyễn Văn Thuận ngụ xã Tân Thuận Đông, TP.Cao Lãnh thì thực hiện “dịch vụ” chuyển bệnh nhân miễn phí đến bệnh viện bằng tắc ráng suốt hàng chục năm nay, góp phần giúp nhiều bệnh nhân ở ấp cù lao Đông Định khám chữa bệnh kịp thời. Đồng Tháp còn nhiều lắm những người tham gia hiến máu cứu người vài chục lần; tình nguyện trở thành tài xế xe chuyển bệnh từ thiện; đăng ký hiến xác cho y học... và nhiều lắm những người làm điều tốt đẹp nhưng họ “thi ân bất cầu báo”.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Biết - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp, việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh đã trở thành việc làm thường xuyên của mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động. Nhiều phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, đảng viên và nhân dân được triển khai thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác tuyên truyền gương người tốt việc tốt được cấp ủy quan tâm chỉ đạo; phát huy nhân rộng những mô hình hiệu quả.
(Hết)
NHỰT AN