“Phát triển Logistics lĩnh vực giao thông vận tải khu vực đồng bằng sông Cửu Long”

Cập nhật ngày: 18/12/2017 16:53:40

00:00/00:00
Error loading: "https://cdn.baodongthap.vn/database/video/2017121908562618-12 PS_PHAT TRIEN LOGISTICS.mp3"

ĐTO - Đó là chủ đề chính của Hội nghị do Bộ Giao thông Vận tải phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức vào sáng 18/12. Ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chủ trì hội nghị.


Quang cảnh hội nghị

Tham dự hội nghị có 250 đại biểu đến từ các Bộ, ngành Trung ương, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP.Hồ Chí Minh; các Hiệp hội vận tải, logistics, đơn vị khai thác, kinh doanh hạ tầng, vận tải, dịch vụ logistics đường bộ, đường hàng hải, đường thủy nội địa, đường sắt và đường hàng không,…

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết: “Khu vực ĐBSCL là 1 trong 7 vùng kinh tế của Việt Nam; là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, hằng năm đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy hải sản xuất khẩu của cả nước”.


Ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phát biểu tại hội nghị

Tuy là vùng có tiềm năng nhưng hệ thống logistics của vùng vẫn còn kém phát triển, trong đó lĩnh vực giao thông đóng vai trò rất quan trọng; việc liên kết vùng vẫn chưa được quan tâm đúng mức, các trục giao thông chính nhằm gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế là nguyên nhân tác động mạnh mẽ đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng. Vị vậy, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải sẽ là nền tảng cơ bản để thúc đẩy phát triển logistics và gia tăng giá trị của các mặt hàng thế mạnh của vùng.


Phát biểu của ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương nhận định, sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị cung ứng nông sản, Đồng Tháp càng thấy rõ tầm quan trọng của khâu dự trữ, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ nông sản và nhu cầu xây dựng hệ thống dịch vụ logictics càng trở nên bức thiết.

Chủ tịch kỳ vọng, qua hội nghị này, Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ ngành liên quan sẽ cùng tìm ra giải pháp phù hợp về thể chế, chính sách,về đầu tư hạ tầng giao thông, về nhân lực,... để phát triển logistics. Đây là hướng đi mới trong chiến lược phát triển dịch vụ chủ lực ở vùng, góp phần thu hút đầu tư, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp, nông thôn trong vùng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp phát triển logistics cho vùng ĐBSCL, tập trung vào 6 nội dung trọng tâm gồm: nhóm giải pháp về kết cấu hạ tầng kết nối; nhóm giải pháp phát triển dịch vụ vận tải; nhóm giải pháp phát triển các trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ logistics; nhóm giải pháp nâng cao năng lực doanh nghiệp kinh doanh vận tải, giao nhận, dịch vụ logistics; nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực; nhóm giải pháp về các cơ chế chính sách, thủ tục hành chính đối với hoạt động của dịch vụ logistics.


Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam trao bảng tượng trưng tài trợ 3 tỷ đồng cho Trường mầm non xã Trường Xuân (huyện Tháp Mười)

Trong đó, nhóm giải pháp về kết cấu hạ tầng kết nối được các đại biểu tập trung phân tích sâu về khả năng đáp ứng nhu cầu của các phương thức vận tải đường biển, đường bộ, đường thủy nội địa và đường hàng không đối với hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có; nếu chưa đáp ứng đủ thì việc đầu tư như thế nào để phù hợp.


Phát biểu của ông Nguyễn văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải 

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, trong những năm tới, ĐBSCL sẽ là một trong những khu vực phát triển mạnh mẽ, phát huy được tất cả lợi thế của vùng, đồng thời góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Khánh Phan - Dương Út - Hoàng Sơn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn