“Xã hội hóa” trong việc đầu tư xây dựng, khai thác và quản lý chợ
Cập nhật ngày: 07/10/2017 04:48:36
ĐTO - Thực hiện Nghị định số 02 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, tỉnh Đồng Tháp ban hành các văn bản hướng dẫn, cơ chế chính sách, quy hoạch nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển chợ.

Đầu tư phát triển chợ nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân
Đối với các chợ loại I, loại II được bố trí tại các trung tâm thị xã, thị trấn nên việc đầu tư xây dựng, nâng cấp đạt hiệu quả cao, phục vụ tốt cho nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân. Đồng thời, chợ trung tâm còn thực hiện nhiệm vụ làm đầu mối phân phối, cung cấp hàng hóa cho các chợ xã lân cận. Các chợ loại III và chợ tự phát, đa phần được xây dựng tại nông thôn, vùng ven thị xã, thị trấn, đóng vai trò là nơi cung cấp hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho nhân dân vùng nông thôn.
Riêng chợ đầu mối trái cây của tỉnh được xây dựng năm 2004, có tổng vốn đầu tư 18,4 tỷ đồng. Với quy mô là chợ đầu mối trái cây của tỉnh và khu vực, sở hữu hạ tầng kỹ thuật đảm bảo nên việc kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, các nhà vựa khá thuận lợi.
Tính đến nay, chợ đã thu hút được 41 thương nhân đầu tư xây dựng 60 nhà vựa kinh doanh mua bán trái cây để cung ứng nông sản cho thị trường toàn quốc và phục vụ xuất khẩu. Không chỉ tiêu thụ trái cây trong tỉnh, chợ đầu mối còn thu mua trái cây các tỉnh lân cận như: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Bình Phước...
Để giúp cho tiểu thương và người dân mua bán thuận lợi, tỉnh đã sử dụng các nguồn kinh phí được phân bổ từ Trung ương, địa phương và nguồn vốn khác để thực hiện đầu tư nâng cấp, xây dựng chợ qua các giai đoạn. Theo UBND tỉnh, từ năm 2003 - 2017 số lượng chợ cải tạo, nâng cấp và di dời là 254 chợ với tổng số vốn đầu tư thực hiện gần 500 tỷ đồng.
UBND tỉnh nhận định, Nghị định số 02 của Chính phủ với chủ trương “xã hội hóa” trong việc đầu tư xây dựng, khai thác và quản lý chợ, bước đầu đã thu hút được một số đơn vị tham gia, với số vốn đầu tư trên 268 tỷ đồng. Qua đó, góp phần tháo gỡ những khó khăn về nguồn vốn xây dựng chợ của các địa phương, cũng như giảm bớt chi phí đầu tư công trong công tác này.
Theo đó, mạng lưới chợ được phân bố đều trên toàn tỉnh, đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đồng đều hơn, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, đáp ứng nhu cầu người dân ngày càng tốt hơn.
Dù đạt được một số kết quả bước đầu nhưng vẫn còn tồn tại những khó khăn khi thực hiện Nghị định. Theo UBND tỉnh, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ đối với các huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu là chủ trương đúng đắn nhưng thời gian qua, tỉnh đã lập đầy đủ các thủ tục xin hỗ trợ theo quy định nhằm nâng cấp 2 chợ thuộc huyện Tân Hồng nhưng vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ từ chính sách này. Bên cạnh đó, để thực hiện Nghị định đạt kết quả tốt hơn, UBND tỉnh đề nghị cần bổ sung các biện pháp chế tài cụ thể đối với một số chợ tự phát hoạt động.
Tính đến tháng 6/2017, tổng số chợ trên địa bàn tỉnh là 252 chợ. Số chợ nằm trong quy hoạch là 178 chợ (6 chợ hạng I; 23 chợ hạng II; 146 chợ hạng III, 3 chợ đầu mối). Đặc biệt, có 27 chợ do doanh nghiệp đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác.
|
Y DU