Bài toán liên kết, tiêu thụ
Cập nhật ngày: 02/04/2014 06:29:18
Những ngày qua giá lúa lên xuống thất thường, trong khi nông dân làm ăn cá thể phải gánh chịu nhiều tổn thất thì xã viên tại các hợp tác xã (HTX) có liên kết tiêu thụ lúa luôn yên tâm vì đầu ra sản phẩm ổn định. Điều này cho thấy, củng cố mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm là một yêu cầu bức thiết hiện nay, nhất là khi Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh đang trong giai đoạn khởi động.
Nông dân vùng liên kết an tâm
Ngày 30/3, chúng tôi có mặt tại HTX nông nghiệp Tân Tiến (xã Phú Đức, huyện Tam Nông) khi nơi này đang vào thu hoạch rộ lúa đông xuân. Ông Nguyễn Thái Dương - xã viên HTX Tân Tiến phấn khởi: Nhờ ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản với Công ty TNHH XNK Võ Thị Thu Hà mà nông dân ở đây rất yên tâm, không phải lo đầu ra cho hạt lúa. Mặc dù vụ đông xuân năm nay Công ty thanh toán tiền chậm hơn so với những vụ trước, nhưng do Công ty đã họp bàn với xã viên HTX trình bày về khó khăn của Công ty và hứa sẽ thanh toán tiền đúng hẹn nên chúng tôi đều tin tưởng và thống nhất tiếp tục ký kết hợp đồng”.
Ông Võ Văn Đào - Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Tiến cho biết: Qua 6 vụ liên kết (kể cả vụ đông xuân 2014) với Công ty TNHH XNK Võ Thị Thu Hà, đã giúp cho HTX giải quyết đầu ra ổn định, giá lúa luôn cao hơn thị trường, thanh toán tiền mặt sòng phẳng và nông dân còn được hỗ trợ chi phí sản xuất ban đầu. Mặc dù vụ đông xuân năm nay tình hình tiêu thụ lúa khó khăn, Công ty thanh toán chậm hơn 15 ngày so với những vụ trước, nhưng nông dân HTX vẫn tin tưởng và tiếp tục bán lúa cho Công ty với sản lượng 1.812 tấn lúa chất lượng cao.
...Và những người dân ngoài liên kết
Trái ngược với sự phấn khởi của những người dân vùng lúa liên kết, những hộ dân ngoài vùng liên kết đang rất lo lắng. Theo người dân, mặc dù có thông tin Chính phủ triển khai chính sách thu mua lúa, gạo tạm trữ nhưng giá lúa không nhích lên bao nhiêu mà còn có dấu hiệu chững lại. Người trồng lúa đang rất khó khăn trong việc tiêu thụ chứ chưa nói chi đến chuyện lãi 30%.
Ông Nguyễn Văn Phước ở xã Tân Mỹ huyện Thanh Bình than: “Mấy ngày qua, mặc dù giá lúa có nhích lên chút ít so với thời điểm cách đây 3 tuần nhưng chỉ được vài ngày thì chững lại. Gia đình tôi vừa thu hoạch 6ha lúa jasmine, thương lái đến đặt cọc mua với giá 4.800 đồng/kg nên tôi quyết định bán ngay vì sợ lúa lại tiếp tục giảm. Giá này khá thấp so với chi phí sản xuất, bởi vụ đông xuân năm nay, lúa bị nhiễm muỗi hành, năng suất thấp hơn so với những vụ đông xuân khác rất nhiều. Ai cũng hy vọng giá phải 5.300 - 5.400 đồng/kg nông dân mới có lời”.
Về vấn đề liên kết, người dân ở đây cho biết, họ cũng rất mong được ký kết hợp đồng tiêu thụ để tránh bị ép giá, tuy nhiên một bộ phận người dân cũng còn khá băn khoăn về chuyện liên kết. “Nghe mấy vùng xung quanh có liên kết tiêu thụ cũng thấy ham, nhưng nghe đâu lúa giảm giá, một số công ty lại kiếm chuyện bỏ rơi nông dân làm cho họ bị thương lái ép giá, thua lỗ nặng. Do đó nếu được liên kết, chúng tôi cũng mong muốn nhà nước lựa chọn những công ty làm ăn có uy tín thực hiện để giúp nông dân yên tâm” - ông Nam, người dân nơi đây nói.
Bài toán liên kết
Ông Phan Kim Sa - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp thừa nhận: Thời gian qua mặc dù việc liên kết tiêu thụ lúa với các công ty đã giúp ổn định giá lúa cho người nông dân, tuy nhiên, do tình hình khó khăn, một số doanh nghiệp không xoay đủ nguồn vốn nên đã xảy ra một số trường hợp “bẻ kèo”, bỏ rơi nông dân, làm ảnh hưởng đến tâm lý “ngại” liên kết của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn nhưng 11 doanh nghiệp ký kết tiêu thụ lúa đông xuân vẫn đảm bảo đúng hợp đồng yêu cầu với người nông dân.
Theo ông Sa, tính đến thời điểm này, trong tổng số 207.521ha diện tích trồng lúa toàn tỉnh, có 7.000 ha thực hiện liên kết với 11 doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo. Như vậy, còn diện tích rất lớn chưa thực hiện mô hình liên kết. Việc không ký kết bao tiêu đã làm cho giá lúa không ổn định, mỗi mùa lúa người dân lại phải trông chờ vào chính sách tạm trữ của Chính phủ. Tuy nhiên, còn tùy vào thời điểm triển khai tạm trữ nên người dân chưa được hưởng lợi nhiều từ chính sách này.
“Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đồng Tháp rất chú trọng vấn đề liên kết tiêu thụ sản phẩm, mà trọng tâm là nhân rộng mô hình liên kết tiêu thụ ra tất cả các diện tích sản xuất lúa 3 vụ của tỉnh. “Vấn đề cốt lõi là phải xây dựng chặt chẽ mô hình liên kết, trong điều kiện bình thường nếu doanh nghiệp đầu tư vào tất cả diện tích trên 200ha của người dân làm lúa 3 vụ thì nông dân không còn phải trông chờ chính sách tạm trữ của Chính phủ như hiện nay”- ông Sa nói.
Thảo Vy