Biến tiềm năng thành giá trị trong chăn nuôi

Cập nhật ngày: 04/12/2013 05:07:07

Nằm trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm “Nhịp cầu xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh Đồng Tháp năm 2013”, “Hội thảo liên kết sản xuất và tiêu thụ trong chăn nuôi” vừa được diễn ra tại khách sạn Hòa Bình do ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Hội thảo chia sẻ những hướng đi cần thiết trong phát triển chăn nuôi và liên kết sản xuất, xem đây là xu hướng triển vọng...


Gia cầm là một trong những tiềm năng mà tỉnh đang tiến đến khai thác

Các đại biểu tham gia tại hội thảo đánh giá cao tiềm năng phát triển chăn nuôi của tỉnh Đồng Tháp với nguồn nguyên liệu lớn, có nhiều cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi, ngành nghề truyền thống... Chẳng hạn với diện tích đất trồng lúa hàng năm trên 500 ngàn ha rất thuận lợi cho việc nuôi vịt chạy đồng, mỗi hộ có thể nuôi bình quân từ 1.000 - 1.500 con. Trong khi gà chủ yếu được chăn nươi dưới hình thức nhỏ lẻ, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có của hộ gia đình. Số lượng gia cầm tập trung chủ yếu tại huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Tân Hồng, Thanh Bình (chiếm 50% tổng đàn). Theo thống kê, tăng trưởng bình quân bình quân tổng đàn gia cầm đạt 12,1%/năm. Tính riêng trong năm 2013, tổng đàn gia cầm của tỉnh đạt 8 triệu con.

Thời gian qua, ngành chăn nuôi heo phải liên tục đương đầu với nhiều bất lợi (dịch bệnh, giá thức ăn tăng nhưng giá bán giảm mạnh). Tuy nhiên do người dân làng bột Sa Đéc và Châu Thành có nghề truyền thống làm bột, tận dụng những phế phẩm trong chăn nuôi heo, nên số lượng đầu con không ngừng tăng lên. Theo tính toán, tăng trưởng bình quân sản lượng thịt xuất chuồng đạt 5,96%. Theo đó, tổng đàn heo của tỉnh 450 ngàn con. Riêng chăn nuôi trâu bò, chủ yếu với hình thức bán chăn thả, tận dụng nguồn thức ăn cỏ tự nhiên và phế phẩm nông nghiệp (thân cây bắp, rơm rạ...) tập trung chủ yếu tại các huyện Tân Hồng, Lấp Vò, Lai Vung... (chiếm 61% tổng đàn). Năm 2013, tổng đàn trâu bò của tỉnh đạt 40 ngàn con.

Cùng với chương trình nạc hóa đàn heo, sind hóa đàn bò, chính sách hỗ trợ chăn nuôi gia súc gia cầm... ngành chăn nuôi gia súc gia cầm của tỉnh có những chuyển biến tích cực, tăng số lượng đầu con, chất lượng con giống được cải thiện, ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học...

Một trong những tín hiệu vui hiện nay là khi Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi heo Phú Bình (Châu Thành) bước đầu tiến tới liên kết sản xuất tiêu thụ với Công ty Vissan. Tuy nhiên, sản lượng vẫn còn quá ít so với tiềm năng của tỉnh, phần còn lại chỉ nuôi gia công.

Ông Ngô Phi Dũng - Giám đốc HTX Phú Bình chia sẻ: “Việc thực hiện ký kết tiêu thụ với Công ty Vissan đã làm thay đổi phương thức sản xuất theo kiểu truyền thống, người sản xuất không còn lo bấp bênh về đầu ra, giá cả. Trong khi những điều lệ đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp không quá khó nên xã viên chỉ chuyên tâm vào chăm sóc, tăng chất lượng đàn heo”.

Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trong phát biểu khai mạc hội thảo cũng cho rằng, chăn nuôi là một trong những thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên mô hình này còn nhỏ lẻ, sản phẩm không đồng đều. Đặc biệt là tình hình tiêu thụ hiện nay còn nhiều bấp bênh khi chưa hình thành được chuỗi giá trị khép kín, tỉ trọng thấp so với cơ cấu chung của ngành. Vấn đề đặt ra trong hội thảo là làm thế nào để tính đến sản phẩm chất lượng cao, đồng đều và đảm bảo đầu ra ổn định.

Để tương xứng với những tiềm năng sẵn có, đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, cần phải thay đổi tư duy trong sản xuất, tỉnh nên đầu tư vào những vùng có tiềm năng theo hướng quy mô lớn. Nếu địa phương cứ để sự phát triển tự phát, manh mún thì khó có thể làm giàu được từ tiềm năng này.

Bà Trần Thị Phiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình chia sẻ: “Chăn nuôi trâu bò ở huyện hiện đang phát triển mạnh... Hiện huyện có tổng số khoảng 3.000 con bò, phục vụ cho ngân hàng bò của địa phương. Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu trong việc khai thác tiềm năng, chúng ta cần đầu tư tập trung cho những địa phương có thế mạnh để xây dựng vùng nguyên liệu có quy mô lớn, tập trung khoa học công nghệ, hỗ trợ vốn... đồng thời tiến tới liên kết tiêu thụ. Theo đó, cần đáp ứng nguồn giống chất lượng, vì hiện nay nguồn giống đối với bò hầu hết đều trôi nổi”.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Văn Nghiệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho rằng, đối với lợi thế chăn nuôi heo, hiện nay HTX cần có sự thay đổi không phải sản xuất những gì mình có mà phải đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Theo đó, tỉnh nên tiến tới quy hoạch vùng chăn nuôi có quy mô lớn, đồng thời phải tiến tới xây dựng dự án mà trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo (từ con giống, thức ăn đến giết mổ, tiêu thụ...).

Với những ý nghĩ đó, nhiều doanh nghiệp trong buổi làm việc cũng có ý định hợp tác để tạo thành chuỗi giá trị trong chăn nuôi. Ông Châu Nhựt Trung - Tổng Giám đốc Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ chia sẻ: “Nếu không tạo thành chuỗi trong sản xuất thì hầu như chúng ta chỉ là người nuôi gia công. Trong khi con giống chiếm 1/6 giá thành, cộng với giá thức ăn làm giá thành cao nên khi bán lợi nhuận không nhiều. Chỉ khi chúng ta thành lập một chuỗi liên kết mới có thể phát triển, hạ giá thành sản xuất. Trong đó, ngoài doanh nghiệp cần có những nhà chuyên môn để cùng xây dựng chuỗi liên kết. Khi chúng ta tạo thành chuỗi sản phẩm với tính khả thi thì ngân hàng sẽ đầu tư, người dân tham gia, doanh nghiệp liên quan được vực dậy, cùng nhau phát triển”.

Trước sự phát triển và nhu cầu đó, vai trò cầu nối của các HTX là vô cùng cần thiết. Ông Võ Công Minh - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho hay: “Trong thời gian tới, Liên minh tiếp tục củng cố phát triển kinh tế tập thể để HTX thật sự làm cầu nối, phát huy hết vai trò của mình. Theo đó, đơn vị tiếp tục phối hợp với các ngành hữu quan củng cố, khảo sát vùng chăn nuôi để có số liệu cơ bản nhằm vận động tuyên truyền thành lập các HTX, thu hút người dân tham gia thực hiện sản xất quy mô lớn, tập trung. Bên cạnh đó, đơn vị củng cố nhân rộng mô hình HTX nuôi heo Phú Bình đối với các địa phương có lợi thế”.

Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã kết luận, hội thảo đã chỉ ra những vấn đề cần bổ sung để tỉnh có thể khai thác hết những tiềm năng sẵn có về chăn nuôi. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp các ngành tham mưu cho UBND tỉnh trong việc định hướng sản xuất cũng như tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh về kế hoạch phát triển chăn nuôi đến năm 2020. Riêng HTX chăn nuôi heo Phú Bình các ngành tỉnh, huyện sẽ hỗ trợ cho HTX phát triển và giữ vững mối liên kết bền chặt với công ty...

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn