Tháp Mười

Bước phát triển của ngành hàng vịt

Cập nhật ngày: 09/02/2017 07:00:11

Được chọn là 1 trong 5 ngành hàng thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp, ngành hàng vịt của huyện Tháp Mười được đánh giá là ngành hàng có độ rủi ro cao, do chủ yếu được chăn nuôi theo phương thức chạy đồng. Tuy nhiên trong năm qua, ngành chăn nuôi vịt của huyện đã có nhiều thay đổi. Từ bị động về thị trường tiêu thụ, với giải pháp chăn nuôi theo hướng an toàn, cùng nhau liên kết và thay đổi cách làm đang giúp người nuôi vịt ở huyện Tháp Mười chủ động ở khâu tiêu thụ.


Trứng vịt sạch được người tiêu dùng ưa chuộng

Là địa phương có số lượng nuôi vịt cao trong tỉnh, tổng đàn vịt của huyện là trên 400 ngàn con, trong đó vịt đẻ trên 315 ngàn con, trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường trên 150 ngàn trứng vịt. Từ năm 2016 trở về trước, người nuôi vịt chủ yếu là nuôi chạy đồng lấy trứng thương phẩm. Từ năm 2014, việc thay đổi cơ cấu mùa vụ và giá trứng vịt rớt giá khiến nhiều hộ nuôi vịt trong huyện thua lỗ. Đứng trước những khó khăn đó, và để thực hiện tái cơ cấu ngành hàng vịt, UBND huyện xác định, để vịt nuôi đạt chất lượng và năng suất cao trên thị trường thì cần phải tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa và xuất khẩu, đa dạng hóa sản xuất các sản phẩm như: thịt, trứng thương phẩm cho thị trường nội địa, xuất khẩu mang thương hiệu sản phẩm của địa phương. Bên cạnh đó khắc phục dần tình trạng chăn nuôi vịt nhỏ lẻ và tự phát, vận động người nuôi vịt thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, kiểm soát dịch bệnh, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Từ sự quyết tâm của ngành chuyên môn cùng với một số hộ chăn nuôi vịt có tư duy đổi mới, cuối năm 2015, Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi vịt Tháp Mười được thành lập và cuối năm 2016, THT chăn nuôi vịt xã Mỹ Quý tiếp tục được thành lập. Mặc dù bước đầu còn nhiều khó khăn về vốn, kỹ thuật, mặt bằng... nhưng với tư duy nhạy bén, nắm bắt được nhu cầu của thị trường là cần sản phẩm sạch, THT đã thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học và thực hiện được chuỗi liên kết đầu vào và đầu ra, liên kết với công ty cung cấp thức ăn và Công ty Vĩnh Thành Đạt ở TP.HCM thu mua sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường khoảng 200 đồng/trứng. Anh Trần Thanh Hùng - THT chăn nuôi vịt Mỹ Quý cho biết: “Nuôi rọ không tốn chi phí chuyển đồng, hồi xưa đồng 2 vụ vịt ăn được lâu, giờ đồng 3 vụ, chỗ ăn có 10 - 12 ngày là phải chuyển đi, tỷ lệ hao hụt nhiều khoảng 20% trở lên/tháng. Vịt vô rọ làm chuồng trại đàng hoàng thì trời mưa, vịt vẫn đẻ bình thường, trứng bán cho công ty giá cũng cao hơn 200 đồng/trứng trở lên”.

Để chủ động phát triển có hiệu quả ngành hàng vịt, điều quan trọng hiện nay phải tăng cường tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật cho người nuôi vịt, có vậy mới có thể nâng cao chất lượng, giảm giá thành. Một tín hiệu vui đối với ngành hàng vịt ở huyện Tháp Mười là quan niệm của người chăn nuôi đã thay đổi, họ nắm bắt nhu cầu của thị trường để làm ra sản phẩm thị trường cần. Ông Lê Ngọc Mới - một hộ nuôi vịt lâu năm ở Tháp Mười cho biết lý do ông đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo mô hình VietGAP: “Do chất thải nông nghiệp trên đồng ruộng rất nhiều, ảnh hưởng đến vịt chạy đồng, vịt dễ bị bệnh, trứng cũng không được sạch. Trong khi người tiêu dùng bây giờ hướng về hàng hóa sạch, vì vậy tôi mở ra mô hình chăn nuôi vịt sạch, cho vịt uống nước sạch, ăn thức ăn công nghiệp phải có sự bảo đảm của công ty sản xuất, không dư thừa chất kháng sinh hoặc chất tạo màu. Còn về môi trường, phải làm 3 cái ao lắng - thải ra ao thứ nhất, lắng qua ao thứ 2 rồi qua ao thứ 3”.

Mặc dù ngành hàng vịt của huyện Tháp Mười đã có nhiều tín hiệu khả quan, tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu, còn tỷ lệ rất lớn người chăn nuôi vẫn nuôi theo phương thức chạy đồng. Dù các hộ này cũng muốn chuyển đổi, nhưng họ không có đất sản xuất, không có điều kiện kinh tế, người chăn nuôi phải có giải pháp đánh giá tác động môi trường, xây dựng đề án bảo vệ môi trường... Đây chính là những khó khăn mà không phải người chăn nuôi nào cũng có điều kiện để thực hiện.

Để từng bước tháo gỡ khó khăn, thực hiện hoàn thành Đề án tái cơ cấu ngành hàng vịt, ông Lê Văn Ngọt - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Ngành sẽ phối hợp với ngành chức năng đánh giá lại thực trạng của ngành hàng vịt, tiến hành quy hoạch các vùng nuôi phù hợp, kết hợp quy hoạch vùng nuôi vịt công nghệ cao của tỉnh. Trong đó chú ý công tác triển khai áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình nuôi vịt an toàn sinh học (vịt rọ) năm 2017, dự kiến đạt 100.000 con. Đồng thời phát triển mô hình nuôi vịt giống để cung cấp cho các hộ chăn nuôi; tăng cường công tác phòng trừ dịch bệnh, chú trọng công tác bảo vệ môi trường sinh thái; thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ bền vững; đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong đó việc vận động người dân tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường là chủ yếu, xử lý các chất thải trong chăn nuôi theo đúng quy định, đồng thời buộc các hộ chăn nuôi có cam kết về bảo vệ môi trường... để ngành hàng vịt của huyện Tháp Mười phát triển xứng với tiềm năng và thực hiện hoàn thành Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Thúy ly

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn