Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh chưa khởi sắc

Cập nhật ngày: 16/02/2017 07:22:47

ĐTO - Dù khó khăn, thách thức về thị trường tiêu thụ, sự cạnh tranh gay gắt giữa sản phẩm cùng loại nhưng với việc chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, sự năng động của doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản tỉnh nhà... đã giúp tình hình xuất khẩu hàng hóa của tỉnh năm 2016 tiếp tục tăng trưởng 0,32% so với cùng kỳ.


Mặt hàng thủy sản xuất khẩu có tăng trưởng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng

Là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm hơn 80% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh, năm 2016 mặt hàng thủy sản xuất khẩu đạt 253.000 tấn, tăng 4,32% và kim ngạch đạt 625 triệu USD, tăng 5,68% so với năm 2015.

Theo Sở Công Thương, năm qua, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của tỉnh đã xuất sang 95 thị trường, tăng 2 thị trường so với năm 2015. Trong đó, thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp tỉnh nhà là Châu Á, Châu Mỹ. Tại thị trường Châu Á, nổi bật vẫn là thị trường Trung Quốc, mặc dù giá xuất không cao nhưng dễ tiếp cận dẫn đến tăng trưởng khá cao, tăng 83% so với năm 2015.

Nhìn chung, hoạt động xuất khẩu thủy sản của tỉnh có tăng trưởng cả về lượng và kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chỉ tập trung vào một số ít doanh nghiệp có quy mô lớn, thị trường ổn định. Đối với các doanh nghiệp còn lại gặp không ít những khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, chịu sự cạnh tranh về giá của các nhà xuất khẩu trong và ngoài nước, cùng các yêu cầu khắt khe về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu.


Xuất khẩu gạo tiếp tục gặp khó

Năm qua được xem là “bước lùi” của mặt hàng gạo xuất khẩu khi giảm về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu so với năm 2015. Cụ thể, sản lượng xuất khẩu gạo trong năm qua đạt 180.300 tấn, bằng 89,47% so với năm 2015; kim ngạch 80 triệu USD, bằng 91% so với năm 2015. Nguyên nhân hoạt động xuất khẩu gạo của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do Thái Lan thực hiện chiến dịch giải phóng hàng tồn kho, cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang các nước Ấn Độ, Pakistan... Mặt khác, các thị trường nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như: Indonesia, Malaysia, Philippines... thực hiện chính sách tự túc lương thực, hạn chế nhập khẩu. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc (chiếm thị phần lớn với 41%) luôn thay đổi chính sách nhập khẩu gạo từ Việt Nam đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động xuất khẩu gạo của tỉnh.

Nhận diện được những thuận lợi, khó khăn trước mắt, năm 2017 tỉnh đặt ra chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 790 triệu USD, tăng 2,6% so với năm 2016. Trong đó, sản lượng xuất khẩu thủy sản đạt 260.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 645 triệu USD. Riêng xuất khẩu gạo được đề ra với sản lượng đạt 200.000 tấn, kim ngạch đạt 88 triệu USD.

Để đạt được những kế hoạch xuất khẩu sản phẩm chủ lực tỉnh nhà trong năm 2017, Sở Công Thương đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 109 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng cho những thương nhân sản xuất kinh doanh các sản phẩm gạo chất lượng cao, gạo hữu cơ, có thương hiệu của doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo cơ chế đặc thù với những điều kiện nhẹ nhàng hơn những thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thông thường.

Đồng thời, Sở Công Thương cũng đề nghị UBND tỉnh cần có chính sách đặc thù thu hút đầu tư trong và ngoài nước đối với dự án chế biến trái cây, rau quả... Bên cạnh đó, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo; đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, đặc biệt là gạo hữu cơ, gạo thơm đặc sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tiến tới xây dựng thương hiệu gạo...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn