Các ngành hàng tiếp tục phát triển mạnh

Cập nhật ngày: 16/02/2023 16:11:28

ĐTO - Năm 2022, với quyết tâm của ngành nông nghiệp cùng sự đồng hành của doanh nghiệp và sự hưởng ứng tích cực của người sản xuất đã góp phần thúc đẩy hoạt động tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh tiếp tục có bước tiến mạnh mẽ. Hoạt động sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2022 tiếp tục phục hồi và tăng trưởng khá sau đại dịch Covid-19, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 3,52% so với năm 2021.


Cá tra, ngành hàng chủ lực của tỉnh

Chuyển biến tích cực của các ngành hàng

Với định hướng phát triển ngành hàng lúa gạo trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực Quốc gia theo hướng bền vững, Đồng Tháp đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất tập trung theo hướng chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và chú trọng áp dụng đồng bộ giải pháp giảm giá thành sản xuất. Cùng với đó là việc chuyển dịch cơ cấu giống sang nhóm giống cho giá trị cao, góp phần đưa giá trị sản xuất ngành lúa gạo đạt 15.266 tỷ đồng. Trước bối cảnh chi phí sản xuất lúa bình quân tăng thêm 23-50% so với cùng kỳ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời khuyến cáo người sản xuất áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật giúp giảm chi phí, cải thiện hiệu quả sản xuất cho nông dân. Đến cuối năm 2022, diện tích thực hiện liên kết của các huyện, thành phố là 91.800ha, sản lượng 601.681 tấn, chiếm trên 19% tổng diện tích sản xuất.

Năm 2022, giá trị sản xuất ngành hàng xoài đạt 2.682 tỷ đồng, bằng 126,11% kế hoạch và tăng 31,22% so với năm 2021 (tương ứng tăng 638 tỷ đồng). Theo đó, xác lập mã số vùng trồng cho 297 vùng trồng xoài với diện tích 9.150ha; hỗ trợ chuyển giao ứng dụng truy xuất nguồn gốc điện tử và chứng nhận sản phẩm xoài đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp 3 giấy chứng nhận VietGAP diện tích 46ha. Diện tích thực hiện truy xuất nguồn gốc đến hiện tại là 51ha.

Tỉnh phát triển ngành hoa kiểng trở thành ngành hàng chiến lược, được tổ chức sản xuất theo hướng giá trị cao, đa dạng chủng loại theo thị hiếu người dùng, kết nối sản xuất với thị trường, doanh nghiệp để phát triển du lịch. Ước giá trị sản xuất hoa kiểng đạt 5.992 tỷ đồng, bằng 106,82% kế hoạch và tăng 16,57% so với năm 2021 (tương ứng tăng 851,7 tỷ đồng). Thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cung ứng cho người dân sản xuất hoa kiểng trong và ngoài tỉnh với số lượng 206 ngàn cây giống nuôi cấy mô. Ngoài ra, có doanh nghiệp đang thực hiện kết nối liên kết tiêu thụ hoa kiểng với các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán tiêu thụ ngành hàng hoa kiểng tại Sa Đéc.

Cá tra là ngành hàng chủ lực của tỉnh, Đồng Tháp chú trọng phát triển đa dạng sản phẩm giá trị gia tăng gắn phát triển sản phẩm OCOP địa phương phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần tạo ra giá trị mới và nâng cao hiệu quả sản xuất ngành hàng cá tra. Ước giá trị sản xuất cá tra năm 2022 đạt 8.232 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch và tăng 7,83% so với năm 2021 (tương ứng tăng 598 tỷ đồng). Thời gian qua, tỉnh còn đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào nuôi trồng thủy sản theo hướng hiện đại hóa; xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong nuôi cá tra để nâng cao giá trị cá tra nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Năm 2022, diện tích gieo trồng sen của tỉnh là 891ha, bằng 109,58% so kế hoạch và tăng 2,06% so với năm 2021, lợi nhuận bình quân đạt 52 triệu đồng/ha (tăng 41,2 triệu đồng/ha so với năm 2021). Công ty CP Thực phẩm Sen Đại Việt liên kết với Tổ hợp tác trồng sen xã Hưng Thạnh để thu mua sen với diện tích liên kết ban đầu là 36,5ha, cam kết thu mua với giá ổn định.

Những năm qua, người dân thực hiện các mô hình canh tác sen - lúa, sen - cá và sen chuyên canh... mang lại hiệu quả bước đầu. Đáng chú ý là phần lớn các mô hình trồng sen hiện nay đều kết hợp với phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm, giúp tăng thêm lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/ha/năm.

Thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ

Hướng đến phát triển bền vững, tỉnh đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp, tạo đòn bẩy cho các ngành hàng phát triển. Tỉnh quan tâm thực hiện giải pháp đổi mới các chính sách hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp. Ngành khoa học và công nghệ theo dõi, tổ chức triển khai thực hiện 43 nhiệm vụ khoa học, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Để tạo đầu ra thông thoáng cho sản phẩm, tỉnh quan tâm hỗ trợ phát triển thị trường, các ngành hữu quan hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến nay, có hơn 400 sản phẩm của 82 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã được kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử và có hơn 150 sản phẩm của Đồng Tháp có mặt tại các siêu thị như: Co.opmart, Big C, Satra, Lotte, Aeon, Vinmart, MM Mega martket...

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh ước đạt 1.694,68 triệu USD, tăng 32,5% so với năm 2021, đạt 127,42% kế hoạch. Trong đó, một số mặt hàng chủ lực của tỉnh có nhiều tăng trưởng so với năm 2021. Đến nay, hàng hóa của Đồng Tháp đã có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt một số thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc...

Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động tổ chức triển khai xây dựng nền tảng dữ liệu số nông nghiệp tại địa chỉ vdapes.com; thành lập Tổ tham mưu chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Đồng thời ứng dụng công nghệ số để số hóa dữ liệu quản lý, hướng đến tự động hóa trong quy trình thu thập, xử lý, báo cáo, lưu trữ hệ thống dữ liệu thống kê thuộc lĩnh vực trồng trọt - bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y - thủy sản, lâm nghiệp, phát triển nông thôn, thủy lợi, nông thôn mới, OCOP... góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành.

Song song đó, phối hợp Công ty cổ phần Rynan Technology Việt Nam ứng dụng công nghệ số thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng yêu cầu quản lý tình hình sản xuất trồng trọt, kết nối nhiều doanh nghiệp, cơ sở liên kết tiêu thụ sản phẩm vùng trồng trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2022, có 689 vùng trồng với diện tích 54.985ha được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh hiện có 833 vùng trồng với diện tích 59.581ha được cấp mã số vùng trồng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hướng đến phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, toàn tỉnh xây dựng thêm 18 mô hình sản xuất tiên tiến được nhân rộng. Trong đó, có 6 mô hình được đánh giá cao về mặt kỹ thuật và mang lại hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, tỉnh còn quan tâm phát triển nguồn vốn, đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân vào địa bàn tỉnh, tăng cường hợp tác quốc tế. Trên tinh thần đó, công tác xúc tiến và kêu gọi đầu tư được tăng tốc thực hiện, xem đây là một trong những động lực cho phục hồi kinh tế. Qua đó, thu hút được nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh. Kết quả, đến nay tỉnh đã tiếp nhận mới 74 hồ sơ đăng ký dự án đầu tư; trong đó, có 20 dự án được chấp thuận đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 3.424 tỷ đồng...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn