Câu chuyện làm nông nghiệp ở Đất Sen hồng
Cập nhật ngày: 28/01/2017 06:21:44
ĐTO - Chưa bao giờ việc sản xuất nông nghiệp sạch lại được nông dân Đồng Tháp hưởng ứng nhiệt tình như hiện nay. Nhiều mô hình và cách làm hay trong sản xuất nông nghiệp sạch đã được “ươm mầm” tại xứ sở Sen hồng - một thế hệ nông dân Đồng Tháp đang nỗ lực, vươn mình làm nông nghiệp bằng tất cả trách nhiệm và cái tâm của người sản xuất.
Nông dân Đồng Tháp làm nông nghiệp bằng nhiệt huyết và cả trái tim
Làm nông nghiệp Bằng nhiệt huyết và trái tim
5 giờ sáng cũng là thời điểm ông Nguyễn Văn Dũng - Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) sản xuất rau an toàn xã Định An, huyện Lấp Vò bắt đầu công việc quen thuộc của mình: mang rau ra chợ, đến các trường mầm non. Dù tuổi cao nhưng được trồng rau sạch và đưa những sản phẩm ấy đến với người tiêu dùng là niềm hạnh phúc vô bờ với ông Dũng, một người nông dân dành trọn cả đời cho nông nghiệp.
Chia sẻ về những điều bình dị mà các thành viên THT sản xuất rau an toàn xã Định An đang đeo đuổi, ông Nguyễn Văn Dũng nói: “Câu chuyện về “lợn hai chuồng, rau hai luống” đã làm chúng tôi thật sự ám ảnh. Vì vậy, bằng trái tim mình, chúng tôi mong muốn thay đổi, muốn làm điều gì đó để con em chúng ta không phải sử dụng thực phẩm bẩn. Hơn 1 năm qua, THT đã không ngại khó khăn mang sản phẩm của mình đến quảng bá và giới thiệu với người tiêu dùng. Mong sao người tiêu dùng sẽ có những lựa chọn sáng suốt, cùng chung tay giúp những người nông dân chân chính có điều kiện để phát triển”.
Cùng một nỗi niềm với những lão nông trồng rau ở xã Định An, huyện Lấp Vò, bạn trẻ Võ Văn Tiếng ở huyện Hồng Ngự cũng mang hoài bão làm thế nào để có lúa sạch cung cấp cho người tiêu dùng. Sản phẩm này được sản xuất từ nội địa chứ không phải là sản phẩm gạo nhập khẩu từ nước ngoài với giá đắt đỏ.
Những ý tưởng ấy đã thôi thúc chàng trai 9X mạnh dạn đầu tư mô hình trồng lúa sạch ở tại xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự. Hiện tại, mô hình này đã mang lại thành công không những riêng cho Tiếng mà thông qua mô hình, nhiều nông dân ở Đồng Tháp có những góc nhìn mới về sản xuất lúa sạch.
Chia sẻ về niềm đam mê của mình, Võ Văn Tiếng bộc bạch: “Nhiều người từng nói cách làm của tôi là điên rồ nhưng tôi không nghĩ vậy, bởi nhiều nông dân ở vùng núi Tây Bắc đã làm như thế từ rất nhiều năm nay. Làm lúa sạch không khó, chỉ cần có tâm và có niềm tin với điều mình làm thì nhất định sẽ thành công. Nguyện vọng lớn nhất của tôi là sẽ ngày càng có nhiều nông dân sản xuất lúa sạch để cung cấp cho người tiêu dùng trong nước”.
Hiện tại, không riêng anh nông dân trẻ Võ Văn Tiếng, hay những bác nông dân ở huyện Lấp Vò mà nhiều nông dân của Đồng Tháp đã có những chuyển biến mạnh mẽ về tư duy làm nông nghiệp sạch. Đặc biệt, giai đoạn gần đây nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn dấn thân vào con đường sản xuất nông nghiệp sạch. Những sản phẩm rau, củ, quả hữu cơ của Công ty Cổ phần nông trại sinh thái Ecofarm Đồng Tháp; sản phẩm nấm rơm sạch của Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May, sản phẩm xoài sấy dẻo của Công ty Việt Đức đã chính thức lên kệ ở các siêu thị trong nước và đang có những bước tiến mới xa hơn ở thị trường ngoài nước.
Sức mạnh từ sự kết nối
Sẽ không có sự chuyển mình mạnh mẽ của bức tranh nông nghiệp Đồng Tháp hôm nay nếu địa phương không tạo được sự kết nối, sự đồng thuận giữa những nhân tố trong chuỗi sản xuất nông nghiệp.
Với phương châm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân, chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã đưa ra những quyết sách mạnh mẽ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nông dân nâng cao trình độ sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng và đồng đều hơn về mẫu mã.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ này, người nông dân được sự hỗ trợ tích cực từ các ngành chuyên môn, đội ngũ nhà khoa học, nhiều mô hình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) được triển khai trên những loại cây trồng thế mạnh của tỉnh như: xoài, nhãn, cây vỏ the, ổi, rau... Từ chỗ còn lúng túng trước khái niệm “thực hành nông nghiệp tốt - sản xuất nông sản sạch”, người nông dân đã tự tin và chủ động hơn trong sản xuất.
Mô hình Phiên chợ nông nghiệp xanh từng bước tạo sự gắn kết và tin tưởng giữa người sản xuất và người tiêu dùng
Bên cạnh đó, thông qua các mô hình kết nối cung cầu dành cho sản phẩm nông nghiệp sạch như: Phiên chợ nông nghiệp xanh; sự vận hành của chuỗi các cửa hàng thực phẩm sạch ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh... đã tạo nền móng vững chắc trong việc kết nối người sản xuất với người tiêu dùng lại với nhau. Khi thấy được nhu cầu thực tế của người tiêu dùng, người nông dân cũng mạnh dạn kết nối lại với nhau trong các tổ chức hợp tác xã (HTX) và THT.
Ông Nguyễn Hữu Thọ - Tổ phó THT sản xuất ổi an toàn xã Mỹ Hiệp chia sẻ: “Lâu nay, người nông dân vẫn quen với việc làm lủi thủi một mình. Tuy nhiên, sau khi được sự tư vấn của các nhà khoa học, sự định hướng từ Nhà nước, chúng tôi hiểu rằng để tồn tại thì nông dân phải thay đổi, chỉ có giải pháp cùng nhau kết nối thì tập thể nông dân mới phát triển và sản phẩm có thể cạnh tranh trên chính “sân nhà””.
Với những hiệu ứng từ các chương trình xúc tiến thương mại dành cho nông sản sạch, năm 2016 tỉnh Đồng Tháp “nở rộ” phong trào sản xuất nông sản sạch. Người nông dân mạnh dạn cùng nhau liên kết trong tổ chức HTX, THT và cùng sản xuất theo một quy trình, từ đó cung cấp cho thị trường những sản phẩm đồng nhất về chất lượng, tạo tiền đề trong kết nối với người tiêu dùng, để người tiêu dùng tin tưởng hơn.
Phân tích về chìa khóa gắn kết trong thực hiện chuỗi thực phẩm sạch, ông Phan Kim Sa - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, với cách sản xuất và cách tiêu dùng truyền thống trước đây, thì cả người tiêu dùng và người sản xuất đều bị thiệt hại. Chính sự không đồng điệu về lập trường, tư duy đã dẫn đến tình trạng nghi ngờ và e dè nhau, nông sản địa phương không phát huy được giá trị tiềm năng vốn có. Do đó, để thực hiện được chuỗi thực phẩm sạch hiệu quả thì việc kết nối hai nhân tố này lại với nhau được xem là nhiệm vụ quan trọng nhất. Chính việc làm cầu nối, xúc tiến để người tiêu dùng và người sản xuất gặp nhau, hiểu nhau, tin nhau là chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề. Thời gian qua, ngành công thương đã phối hợp với các ngành mở nhiều kênh xúc tiến để nông sản sạch của nông dân đến được gần hơn với người tiêu dùng. Trong năm 2017, ngành sẽ tiếp tục mở thêm các điểm cửa hàng bán thực phẩm sạch tại các huyện, thị còn lại. Khi tạo được vùng sản xuất sạch ổn định, ngành công thương cũng sẽ tiếp tục kết nối với hệ thống siêu thị nhằm giúp nông dân có được đầu ra ổn định hơn. Ngoài ra, để có những bước tiến dài hơn, tỉnh đang tập trung nhiều giải pháp, trong đó sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân thay đổi tập quán sản xuất, xây dựng và quảng bá thương hiệu...
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng: “Hiện nay, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang được xã hội quan tâm hàng đầu, vì vậy là một tỉnh có nhiều thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, Đồng Tháp rất quan tâm đến việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không những là nền tảng gắn kết người tiêu dùng trong tỉnh với người sản xuất mà đây còn là tiền để để nông sản tỉnh nhà hội nhập sâu hơn với xu hướng tiêu dùng hiện đại”.
Mỹ Lý