Cây xoài cát Hòa Lộc đang “bén rể” trên đất cù lao Tân Hòa
Cập nhật ngày: 10/06/2015 13:19:23
Với điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, một số nông dân ở xã Tân Hòa (huyện Thanh Bình) đang phát triển nghề làm vườn với chủ lực là cây xoài cát Hòa Lộc.
Ông Nguyễn Văn Đi (bên trái) thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ vườn xoài cát Hòa Lộc
Xoài cát Hòa Lộc là một trong những loại cây ăn trái khá “kén đất” nhưng khí hậu, thổ nhưỡng ở xã Tân Hòa lại thích hợp với loại cây này. Anh Lê Văn Bay (SN 1974) là người chuyên đi giao cây giống cho Điểm bán cây giống Út Thể (xã Mỹ Tân, TP.Cao Lãnh) nhận xét: “Xoài cát Hòa Lộc rất kén đất, nếu trồng ở vùng không thích hợp sẽ không đậu trái hoặc đậu trái rất ít; chất lượng không ngon. Nhưng xoài này trồng ở Tân Hòa thì năng suất và chất lượng đạt nên bà con mua cây giống rất nhiều”.
Tận dụng lợi thế này của địa phương, một số nông dân đầu tư trồng và ăn nên làm ra từ cây xoài cát Hòa Lộc. Ông Nguyễn Văn Đi (SN 1961) ở ấp Tân Dinh là một trong những người tiên phong trồng xoài cát Hòa Lộc ở xã Tân Hòa. Ông Đi cho biết: “Loại cây này có hiệu quả kinh tế cao, sau 3 năm trồng, cây sẽ cho trái. Với 1ha trồng xoài cát Hòa Lộc, năng suất hơn 1,5 tấn trái/năm, trung bình mỗi năm, tôi thu lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng. Hiện tôi đang đầu tư trên 100 triệu đồng để trồng hơn 2.000 cây xoài cát Hòa Lộc với diện tích khoảng 2ha”.
Nhận thấy xoài cát Hòa Lộc mang lại hiệu quả kinh tế cao cùng với sự nhiệt tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm của ông Nguyễn Văn Đi trong việc trồng loại cây này, một số người dân ở Tân Hòa mạnh dạn chuyển diện tích trồng lúa nếp, rau màu kém hiệu quả sang trồng xoài. Ông Nguyễn Ngọc Ẩn (SN 1961), ông Nguyễn Văn Điệp (SN 1963) cùng ở ấp Tân Dinh và nhiều nông dân khác cũng đang đầu tư trồng xoài cát Hòa Lộc.
Theo ông Đinh Văn Nghiêm - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Hòa, đối với những vùng đất có điều kiện tự nhiên phù hợp, thủy lợi đảm bảo thì địa phương rất ủng hộ nông dân chuyển diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng xoài cát Hòa Lộc. Tuy nhiên, hiện bà con rất muốn trồng xoài nhưng đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Đến nay, riêng ở Trảng ruộng Tân Dinh (thuộc ấp Tân Dinh), đã có nhiều hộ dân đầu tư trồng xoài cát Hòa Lộc với diện tích trên 10ha, nâng tổng diện tích trồng xoài cát Hòa Lộc toàn xã lên khoảng 50ha.
Lợi nhuận từ xoài cát Hòa Lộc cao nhưng vốn đầu tư khá nặng. Nếu sơ tính chỉ tiền thuê máy đào rãnh, lên liếp, mua cây giống thì tốn từ 5 - 6,5 triệu đồng/ 1.000m2, chưa kể chi phí vật tư nông nghiệp 3 năm xoài mới cho trái. Một số bà con không có vốn mà quá “mê” trồng xoài thì chấp nhận vay mượn tiền để đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Đi - người trồng xoài cát Hòa Lộc hơn 13 năm qua cho rằng thời gian tới đầu ra của xoài cát Hòa Lộc vẫn thuận lợi, tiếp tục xuất khẩu đi nhiều nước, điều quan trọng là làm sao đáp ứng được những yêu cầu của họ về mẫu mã, chất lượng trái. Để phát triển cây xoài cát Hòa Lộc, ông Đi, ông Ẩn, ông Điệp và nhiều nông dân ở xã Tân Hòa đang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ địa phương. Đồng thời mong muốn được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi (lãi suất thấp hoặc không lãi suất); được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật và thành lập Tổ liên kết trồng xoài cát Hòa Lộc...
Nắm bắt được mong muốn, khó khăn trên của nông dân, chính quyền xã Tân Hòa đã liên hệ với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh huyện Thanh Bình nhằm tạo điều kiện cho người dân vay vốn. Ông Đinh Văn Nghiêm cho biết: Thông tin ban đầu thì Ngân hàng sẵn sàng cho người dân vay vốn nhưng với hình thức thế chấp, lãi suất 10%/năm (vay trung hạn); trả dần vốn và lãi 12 lần trong 5 năm. Để tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật, tiêu thụ nông sản... Ngoài ra, thời gian tới địa phương sẽ thành lập Tổ làm vườn.
Hiện nay, nhiều nông dân ở Tân Hòa đang đầu tư trồng xoài cát Hòa Lộc nhưng còn mang tính tự phát. Thiết nghĩ để tránh tình trạng chạy theo phong trào, phát triển tràn lan, một trong những biện pháp quan trọng là phải quy hoạch vùng chuyên canh xoài cát Hòa Lộc. Cùng với đó là sự vào cuộc của địa phương, ngành chuyên môn để hỗ trợ về vốn, kỹ thuật cho nông dân.
NHỰT AN