Chợ truyền thống cần đổi mới và thích ứng để “giữ chân” khách hàng trong kỷ nguyên số

Cập nhật ngày: 03/09/2024 05:25:05

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240903052555dt2-1.mp3

 

ĐTO - Trong bối cảnh thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phát triển, các chợ truyền thống đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Sự cạnh tranh gay gắt từ các sàn TMĐT, sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng đang đặt ra những thách thức lớn cho sự tồn tại của các chợ truyền thống. Vì vậy, để “giữ chân” người tiêu dùng trong kỷ nguyên số, các chợ truyền thống cần nhanh chóng đổi mới, nâng cấp.


Nhiều quầy hàng trên lầu 1, khu vực nhà lồng trung tâm chợ TP Cao Lãnh buộc phải đóng cửa do kinh doanh không hiệu quả

Chợ truyền thống đang dần mất thị phần khi thương mại điện tử bùng nổ

TMĐT đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, mang đến cho người tiêu dùng vô vàn tiện ích. Một trong những ưu điểm nổi bật của hình thức mua sắm này chính là sự tiện lợi về thời gian và không gian. Người tiêu dùng có thể mua sắm bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu chỉ với một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối Internet. Bên cạnh đó, sự đa dạng về sản phẩm cũng là một lợi thế lớn của TMĐT. Người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm kiếm và so sánh giá cả của hàng triệu sản phẩm khác nhau từ khắp nơi trên thế giới. Không chỉ vậy, các sàn TMĐT còn cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm, giúp người mua đưa ra quyết định chính xác, dễ dàng.

Đặc biệt, những năm gần đây, bên cạnh thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi dành cho người tiêu dùng, các sản TMĐT còn khuyến khích nhà bán hàng tổ chức các phiên livestream bán hàng trực tuyến để quảng bá sản phẩm. Tại những phiên bán hàng trực tuyến này, người mua và người bán hoàn toàn có thể tương tác với nhau dễ dàng, tạo cảm giác mua sắm chân thực không khác nhiều so với mô hình giao thương tại các chợ truyền thống.

Với việc không ngừng phát triển, nâng cấp nhằm mang đến những trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho khách hàng, các sàn TMĐT đang thu hút một lượng lớn người tiêu dùng chuyển sang mua sắm online thay vì mua sắm ofline tại các chợ truyền thống như trước đây.

Dạo một vòng các nhà lồng, kiot tại chợ TP Cao Lãnh, chúng tôi không khó để nhận ra cảnh đìu hiu, vắng vẻ, nhất là tại khu vực kinh doanh các sản phẩm: quần áo may sẵn, vải, giày dép, phụ kiện, mỹ phẩm... Chị Lê Thị Thùy Trang, chủ Shop Phương Thanh, kinh doanh trong khu vực nhà lồng trung tâm chợ TP Cao Lãnh tâm sự: “Trước đây, gian hàng của tôi lúc nào cũng đông khách, chỉ cần mở cửa ra kinh doanh là có khách đến mua. Nhưng mấy năm gần đây, khách hàng đến chợ ngày càng ít, có khi cả ngày chỉ bán được cho 1 - 2 người khách. So với cách đây 10 năm, doanh thu của tôi giảm từ 70 - 80%. Giờ tôi và nhiều tiểu thương khác đang cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh cung cấp hàng cho các khách hàng lâu năm, chứ khả năng mở rộng khách hàng gần như không khả thi trong bối cảnh hiện nay. Hiện đối tượng khách hàng chủ yếu đến mua sắm tại gian hàng của tôi là các chị, các mẹ khoảng 30 - 70 tuổi trở lên, còn phân khúc khách hàng trẻ tuổi từ khoảng 15 - 25 tuổi thì hầu như tôi không thể tiếp cận được”.

Cùng chung khó khăn với chị Trang, chị Phạm Kim Yến - chủ Shop giày dép Yến Duyên, ở khu vực nhà lồng trung tâm của chợ TP Cao Lãnh, cho biết: “Trước dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh của tôi và một số hộ tiểu thương tại khu vực chợ nhà lồng trung tâm đã bắt đầu khó khăn. Tuy nhiên, tình trạng khó khăn leo thang khi dịch Covid-19 kết thúc. Thời dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, khi nhiều người bắt đầu làm quen và thích nghi với việc mua sắm trực tuyến. Điều này, có tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi tại chợ truyền thống. Hiện doanh thu của cửa hàng chúng tôi giảm trên 70% so với thời kỳ khoảng 7 - 8 năm về trước”.

Tình trạng khó khăn của chị Trang và chị Yến cũng là khó khăn chung của nhiều hộ tiểu thương tại nhà lồng trung tâm chợ TP Cao Lãnh. Theo Ban Quản lý chợ TP Cao Lãnh, chợ nhà lồng trung tâm được thiết kế 2 tầng với 300 quầy kinh doanh. Tầng trệt với 202 quầy gồm nhiều nhóm ngành hàng như: tiêu dùng, đồ gia dụng, mỹ phẩm, giày dép, túi xách... Lầu 1 với thiết kế 98 quầy chủ yếu kinh doanh các ngành hàng liên quan đến vải vóc, quần áo may sẵn... Hiện tại, hoạt động kinh doanh của các tiểu thương khu lầu 1 gặp rất nhiều khó khăn, đã có 44 quầy đóng cửa do kinh doanh ế ẩm, số còn lại vẫn đang hoạt động cầm chừng và đối mặt với nhiều khó khăn.


Khách hàng mua sắm tại nhà lồng trung tâm chợ TP Cao Lãnh

Thay đổi để thích ứng với xu hướng mới

Chợ truyền thống vốn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân. Song, đứng trước làn sóng phát triển của TMĐT, các chợ truyền thống đang phải đối mặt với không ít thách thức. Vì vậy, để tồn tại, các chợ truyền thống đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp. Tại chợ TP Cao Lãnh, các tiểu thương và Ban Quản lý chợ cùng các ngành chức năng địa phương đang nỗ lực thay đổi để “giữ chân” và phục vụ tốt hơn nhu cầu mua sắm của khách hàng.

Để thích ứng với sự phát triển của TMĐT, chị Lê Thị Thùy Trang - chủ Shop Phương Thanh đã áp dụng một loạt các giải pháp nhằm tăng cường sự hiện diện của shop thời trang trên một số nền tảng số. Bên cạnh việc kinh doanh truyền thống, chị Trang đã xây dựng kênh bán hàng online trên các nền tảng mạng xã hội như: Zalo, Facebook. Chị Trang cho biết: “Nhằm giúp khách hàng có thể chủ động lựa chọn được sản phẩm yêu thích, hằng ngày, tôi thường chụp hình ảnh sản phẩm cập nhật trên nền tảng Zalo và Facebook cho khách hàng tham khảo, lựa chọn. Việc thường xuyên cập nhật hình ảnh sản phẩm mới, chất lượng cao, giúp thu hút khách hàng và tạo dựng niềm tin. Tôi cũng thường xuyên cập nhật đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, chú trọng chất lượng vải để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Tuy nhiên, tôi nhận thấy các giải pháp này cũng chỉ cải thiện được một phần khó khăn. Tôi hi vọng với những định hướng mới về việc triển khai Dự án mở rộng xây dựng chợ TP Cao Lãnh sẽ có nhiều dư địa và điều kiện thuận lợi hơn để chúng tôi kinh doanh”.


Chị Lê Thị Thùy Trang - chủ Shop Phương Thanh chụp hình sản phẩm cập nhật trên các nền tảng mạng xã hội để giới thiệu đến khách hàng

Ông Nguyễn Tuấn Kiệt - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý chợ TP Cao Lãnh, cho biết: “Hiện nay, chợ TP Cao Lãnh có 4 chợ nhà lồng cung cấp đa dạng các nhu yếu phẩm hằng ngày cho đến các mặt hàng nông sản tươi sống cho người tiêu dùng tại TP Cao Lãnh và các địa phương lân cận. Tuy nhiên, với mong muốn tạo ra một không gian mua sắm hiện đại, tiện nghi hơn cho người tiêu dùng, UBND TP Cao Lãnh đang triển khai Dự án mở rộng chợ TP Cao Lãnh. Theo đó, sau khi dự án hoàn thiện, chúng tôi sẽ tiến hành gộp 4 nhà lồng chợ hiện tại của chợ TP Cao Lãnh thành một khu nhà lồng trung tâm. Việc tập trung các ngành hàng vào một khu vực sẽ giúp cho việc quản lý, kiểm soát chất lượng hàng hóa trở nên dễ dàng hơn. Đồng thời, khách hàng sẽ tiết kiệm được thời gian di chuyển giữa các khu vực khác nhau. Bên cạnh việc cải thiện cơ sở vật chất, Ban Quản lý chợ cũng đang chú trọng đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm kinh doanh tại chợ. Nhằm giúp người tiêu dùng tiện lợi hơn trong khâu thanh toán, thời gian qua, chúng tôi phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn triển khai mô hình không dùng tiền mặt trong thanh toán cho các hộ tiểu thương...”.

Có thể thấy, với những giá trị văn hóa sâu sắc, chợ truyền thống vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, để tồn tại và phát triển trong thời đại số, các chợ truyền thống cần không ngừng đổi mới và thích ứng. Đồng thời sự chung tay của các cấp chính quyền, các tiểu thương và người tiêu dùng là yếu tố quyết định thành công của quá trình này.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn