Chủ động ứng phó lũ kết hợp triều cường
Cập nhật ngày: 02/10/2023 18:36:27
ĐTO - Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp, dự báo mực nước đỉnh triều cao nhất vào ngày 1 - 2/10/2023 (vào các thời điểm 5 giờ - 8 giờ sáng và từ 16 giờ - 19 giờ chiều hàng ngày).
Nhà vườn cần chủ động ứng phó lũ kết hợp triều cường
Mực nước các trạm có thể lên mức xấp xỉ báo động 3 và trên báo động 4 từ 0,18 - 0,63m, sau đó biến đổi chậm và xuống dần. Mức độ rủi ro thiên tai do triều cường ở cấp độ II. Độ sâu ngập lụt tại khu vực đất tự nhiên (không có đê bao) khoảng từ 1,2 - 1,5m.
Dự báo tình hình triều cường cao xấp xỉ đỉnh triều năm 2022. Trường hợp diễn biến thời tiết có mưa to trong những ngày tới tại khu vực các huyện phía Nam sẽ gây nguy hiểm các vùng đê bao cây ăn trái, gây ngập úng các vùng không có đê bao, vùng đê bao thấp, vùng đô thị...
Vì vậy, để chủ động ứng phó với lũ kết hợp triều cường và sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp đề nghị Ban Chỉ huy Ứng phó với Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố... theo dõi sát diễn biến tình hình mưa, lũ và triều cường, nguy cơ ngập lụt, sạt lở hằng ngày; kịp thời cập nhật và thông tin đầy đủ các bản tin dự báo, cảnh báo về tình hình mưa, lũ, triều cường để các cơ quan, đơn vị, Nhân dân biết và chủ động, phòng tránh, ứng phó, nhất là thời điểm đỉnh triều.
Bên cạnh đó, triển khai lực lượng xung kích tổ chức rà soát, xác định các vị trí xung yếu trên các tuyến đê bao, bờ bao; tuần tra, canh gác, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện (cừ tràm, bao tải cát...) gia cố hệ thống đê bao, bờ bao, cống, trạm bơm còn thấp; kiểm tra khu vực bờ sông có nguy cơ xảy ra sạt lở để cảnh báo, cắm biển báo và di dời dân đến nơi an toàn; sẵn sàng phương án ứng phó với các tình huống bất thường có thể xảy ra.
Chủ động phương án phòng chống ngập úng, vận hành hệ thống cống, trạm bơm tiêu thoát nước, nhất là khu dân cư tập trung, sản xuất cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản; tổ chức bơm tiêu úng trong trường hợp xảy ra ngập cục bộ bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp, chủ động kế hoạch thu hoạch các diện tích đã đến thời kỳ thương phẩm; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trong khu vực bị ngập lụt như trông giữ trẻ tập trung, đưa rước trẻ tới trường để phòng tránh đuối nước…
Trang Huỳnh