Chủ động ứng phó mưa bão diện rộng, phòng, chống lũ lên nhanh kết hợp triều cường

Cập nhật ngày: 30/09/2024 17:42:32

ĐTO - Chiều ngày 30/9, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện chủ trì cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo Ứng phó với Biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) về chủ động ứng phó mưa bão diện rộng, phòng, chống lũ lên nhanh kết hợp triều cường trong thời gian tới.


Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Theo Ban Chỉ đạo, từ đầu năm đến nay, trên biển Đông xuất hiện 4 cơn bão và 1 đợt áp thấp nhiệt đới. Bão và áp thấp nhiệt đới tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh, nhưng đã gây ra 35 đợt mưa to kèm theo sấm sét, gió mạnh làm thiệt hại hoàn toàn 7 căn nhà; tốc mái, xiêu vẹo 240 căn, 4 phòng học… Ước tổng thiệt hại do giông lốc khoảng 10,7 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay xảy ra 6 vụ sạt lở sông Tiền với chiều dài sạt lở 236m, diện tích sạt 5.088m2; xảy ra sụp lún mái, chân kè chống xói lở bờ sông Tiền. Ước thiệt hại khoảng 2,0 tỷ đồng. Ngoài ra, tình trạng sạt lở xảy ra nhiều hơn ở một số sông, kênh rạch nội đồng gây ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân.

Đối với đợt ảnh hưởng mưa lớn, lũ lên nhanh kết hợp triều cường kỳ 15/8 ÂL (29/9/2024), các tuyến bờ bao trên địa bàn tỉnh an toàn, khả năng đảm bảo kiểm soát lũ, chưa ghi nhận thiệt hại do ảnh hưởng lũ, triều cường gây ra tại các huyện, thành phố. Một số đoạn trũng thấp nước tràn cục bộ đã được các địa phương chủ động gia cố khắc phục. Bên cạnh đó, do mưa lớn, kết hợp triều cường đã làm ngập các tuyến đường nội bộ một số cụm công nghiệp và tuyến đường trên địa bàn tỉnh…

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đồng Tháp, thời gian tới, khu vực đầu nguồn của tỉnh mực nước sẽ tiếp tục lên dần và đạt đỉnh triều đợt 1/9 ÂL vào khoảng ngày 4 - 5/10 (mực nước cao nhất tại Hồng Ngự ở mức 3,35 m), sau đó biến đổi chậm trong những ngày giữa tháng; rồi tiếp tục lên và đạt đỉnh năm vào khoảng ngày 18-20/10, đỉnh lũ khu vực đầu nguồn ở mức báo động cấp I, mực nước cao nhất năm tại Hồng Ngự ở mức 3,50m. Khu vực nội đồng Tháp Mười, mực nước lên dần và đạt đỉnh năm vào khoảng ngày 19-22/10; ở mức báo động cấp II - cấp III. Khu vực phía Nam của tỉnh, mực nước đạt đỉnh triều đợt 1/9 ÂL vào ngày 4-5/10 ở mức báo động cấp II-III (mực nước Cao Lãnh ở mức 2,25m; thấp hơn đỉnh triều ngày 22/9 vừa qua là 10cm), rồi xuống chậm đến ngày 12/10, sau đó lên nhanh và đạt đỉnh triều cao nhất năm vào ngày 18- 20/10, ở mức cao hơn báo động cấp III khoảng từ 0,1 đến 0,2 m, mực nước cao nhất năm tại Cao Lãnh ở mức 2,45m đến 2,55m…

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao sự chủ động trong phòng, chống thiên tai của các sở, ngành và địa phương trong thời gian qua.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, thiên tai xảy ra với diễn biến bất thường nên các sở, ngành tỉnh và địa phương cần lấy công tác phòng, chống làm trọng tâm để hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra. Trong đó, cần tập trung không để bị động, chuẩn bị mọi điều kiện ứng phó với mưa lũ; chủ động bảo vệ các hệ thống đê bao, điểm xung yếu chống lũ lụt; cập nhật, bổ sung các phương án ứng phó; củng cố các đội, tổ phòng chống lụt bão tại các địa phương; thực hiện các giải pháp đảm bảo đê bao, ô bao an toàn bảo vệ khu sản xuất trọng yếu; khảo sát đánh giá lại các vùng sản xuất hoa màu; đảm bảo hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và hệ thống giao thông trước ảnh hưởng mực nước lên cao…

Nhật Khánh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn