Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai

Cập nhật ngày: 14/11/2023 16:55:49

ĐTO - Ngày 14/11, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đã có buổi làm việc cùng Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh và Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức nhằm tham vấn, mong muốn hỗ trợ kết nối, tiếp cận các công ty, doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai; đồng thời gửi lời mời đến cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tham dự “Hội nghị hợp tác đầu tư - thương mại giữa tỉnh Đồng Tháp và doanh nghiệp Nhật Bản” sẽ diễn ra vào ngày 29/11/2023 tại Khách sạn Rex, TP Hồ Chí Minh.


Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai

Tại các buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa nêu bật tầm quan trọng của “Hội nghị hợp tác đầu tư - thương mại giữa tỉnh Đồng Tháp và doanh nghiệp Nhật Bản” nhằm xúc tiến thương mại, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế công nghiệp tỉnh Đồng Tháp.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ, trong quá khứ, Đồng Tháp đã từng mời gọi các nhà đầu tư Nhật Bản đến Đồng Tháp, tại đây, các doanh nghiệp Nhật Bản đã nêu lên 3 vấn đề khó của tỉnh gồm: cơ sở hạ tầng giao thông yếu và thiếu kết nối, trình độ lao động thấp và mặt bằng các khu công nghiệp và cụm công nghiệp còn ít. Để khắc phục những hạn chế trên, hơn 10 năm qua, bằng nhiều nguồn lực với định hướng chiến lược và quy hoạch có trọng tâm, tỉnh Đồng Tháp đã tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng với nhiều tuyến đường được nâng cấp, xây mới, mạng lưới cao tốc kết nối Đồng Tháp với TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ và sang tận thủ đô Phnôm Pênh, Vương quốc Campuchia; nguồn nhân lực chất lượng cao được tỉnh chú trọng tạo nguồn, với hơn 10.000 lao động đang làm việc tại thị trường Nhật Bản; mặt bằng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch thêm, tích lũy diện tích lớn để chào đón cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đến với tỉnh.

Về tiềm năng hợp tác đầu tư, Đồng Tháp có các sản phẩm thế mạnh chủ lực gồm: cá tra, lúa gạo, xoài, các sản phẩm từ sen và một số loại cây ăn quả… xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,4 tỷ USD trong năm 2022, trong đó thị trường Nhật Bản đạt gần 20 triệu USD. Nhằm phát huy hơn nữa lợi thế nông nghiệp và khai thác hiệu quả tiềm năng bản địa, tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đến tìm hiểu, trao đổi thương mại, hợp tác đầu tư vào công nghệ mới, xanh, nâng cao chất lượng bảo quản nông sản sau thu hoạch, logistics… Tỉnh Đồng Tháp cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp về quy trình, các bước đầu tư, triển khai dự án nhanh nhất.

Qua trao đổi, đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản tại Bình Dương và Đồng Nai cho rằng, Đồng Tháp cần chuẩn bị tài liệu, đào sâu nêu bật các thế mạnh của tỉnh, phân tích các dư địa để tăng giá trị sản phẩm địa phương, có câu chuyện cụ thể… để thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản. Ngoài ra, tỉnh cần nêu rõ hiện trạng các khu, cụm công nghiệp, về hạ tầng giao thông kết nối, khả năng cung ứng điện, nước, năng lực xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, nguyên liệu cung ứng....

Về nội dung tham dự Hội nghị hợp tác đầu tư - thương mại giữa tỉnh Đồng Tháp và doanh nghiệp Nhật Bản vào ngày 29/11/2023, đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản đề nghị tỉnh Đồng Tháp mở rộng lời mời đến các Ngân hàng Nhật Bản, Công ty xây dựng Nhật Bản tại Việt Nam và một số Hiệp hội tiêu biểu để buổi gặp mặt diễn ra thành công, ông Nagato Takahiko - Chi hội trưởng Chi hội doanh nghiệp Nhật Bản tỉnh Bình Dương chia sẻ.

Minh Điền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn