Chuẩn bị sẵn sàng các phương án sản xuất trong 3 tháng cuối năm
Cập nhật ngày: 08/09/2021 18:14:36
ĐTO - Sáng ngày 8/9, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức họp thường kỳ tháng 8 nhằm đánh giá sơ bộ tác động của dịch Covid-19 đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân; nhiệm vụ và giải pháp phục hồi những tháng cuối năm 2021.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các ngành, địa phương phải có sự đồng lòng, nhất quán trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong tình hình hiện nay
Hội nghị dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Quốc Phong - Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp; Phan Văn Thắng - Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh; Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Trí Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.
Theo UBND tỉnh, mặc dù Đồng Tháp triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 nhưng đến nay, sau 57 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (bắt đầu giãn cách từ ngày 14/7/2021), tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Điều này tác động rất lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các chỉ số kinh tế tháng 8 đều giảm so với tháng trước cũng như cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 giảm 27% so với tháng trước và giảm 59% so với cùng kỳ; hoạt động kết nối giao thương xuất khẩu bị đình trệ, do một số nước nhập khẩu thực hiện lệnh kiểm soát nghiêm ngặt. Đặc biệt, do việc thực hiện công tác phòng, chống dịch, gắn với hoạt động sản xuất theo phương án 4 tại chỗ tại các doanh nghiệp được triển khai thực hiện thời gian qua dẫn đến số lượng doanh nghiệp và lao động giảm. Công suất sản xuất của doanh nghiệp cũng giảm chỉ còn 40 - 50% so với trước đây.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa tác động rất lớn đến đời sống của người dân. Đặc biệt là khó khăn trong khâu tiêu thụ nông sản. Nguyên nhân của thực trạng này là do một số thị trường truyền thống đóng cửa, đặc biệt là thị trường Trung Quốc ngừng thu mua, chế biến. Hiện nay, tỉnh thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cho nông dân nhưng sản lượng tiêu thụ còn hạn chế. Trong đó, lượng cá tra còn tồn đọng, chiếm sản lượng khá cao với 18.000 tấn.
Về giải ngân vốn đầu tư công, tính đến ngày ngày 6/9/2021 giải ngân được 1.034,986 tỷ đồng/4.048 tỷ đồng, đạt 25,57% so với kế hoạch. Ước giải ngân đến ngày 30/9/2021 là 39,52%. Nguyên nhân giải ngân thấp là do vướng công tác giải phóng mặt bằng tại các địa phương.
Đánh giá về tác động của tình hình Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, trong 8 tháng qua, kinh tế - xã hội tỉnh chưa đạt như kỳ vọng do tỉnh phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 trên tinh thần lấy mục tiêu sức khoẻ người dân là trên hết. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận đó là dù chịu tác động lớn từ tình hình dịch bệnh Covid-19 nhưng kinh tế của tỉnh vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng dương. Trong đó, nông nghiệp và xuất khẩu vẫn đóng vai trò động lực tăng trưởng kinh tế. Nổi bật là sản phẩm dệt may - da giày, thủy sản vẫn giữ mức tăng trong điều kiện dịch bệnh.
Nhận định từ nay đến cuối năm, tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn biến khó lường, do đó, các ngành, địa phương cần phải có sự đồng lòng, nhất quán trong việc thực hiện các nhiêm vụ chính trị, vượt qua khó khăn, đem lại lợi ích cho người dân. Về các nhiệm vụ phát triển kinh tế, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các ngành, các cấp phải hoàn thành các dự thảo nghị quyết thực hiện dự án, đề án, quy hoạch. Song song đó, xây dựng chương trình thực hiện; tăng cường, đảm bảo sản xuất lúa vụ thu đông, khôi phục vùng trồng, vùng nuôi thuỷ sản, gia súc, gia cầm; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng công suất hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập mới.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu tại cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong yêu cầu các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh phải có phương án, kịch bản ứng phó kịp thời trong những tháng cuối năm. Theo đó, các mục tiêu thực hiện trong 3 tháng cuối năm gồm tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 (mang yếu tố quyết định); ổn định cuộc sống của người dân; khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh đầu tư công; tăng cường giải quyết những vấn đề liên quan thủ tục hành chính, xúc tiến đầu tư trong tình hình mới.
Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Quốc Phong yêu cầu, về kịch bản phục hồi kinh tế từ đây đến cuối năm 2021, UBND tỉnh cần có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Cùng với đó, rà soát các dự án, nhất là dự án trọng điểm; đẩy nhanh chuyển đổi số. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải thay đổi phương thức làm việc trong tình hình mới và chủ động trong công tác tham mưu.
MN