Chung tay để chuỗi ngành hàng lúa gạo không đứt gãy
Cập nhật ngày: 26/08/2021 06:34:36
Bài 2: Cần tạo “luồng xanh” cho doanh nghiệp sản xuất chế biến gạo
ĐTO - Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo sản xuất vừa phòng, chống dịch doanh nghiệp (DN) thực hiện theo phương châm “3 tại chỗ”, DN nói chung và DN sản xuất và chế biến gạo nói riêng đang rất cần một cơ chế thông thoáng hơn trong việc thực hiện “3 tại chỗ” để giải quyết bài toán thiếu nhân công và đảm bảo việc thu mua lúa, xuất khẩu gạo.
>> Bài 1: Nông dân, doanh nghiệp lúa gạo đều gặp khó…
Cần linh hoạt hơn trong thực hiện “3 tại chỗ”
Ông Đặng Văn Khương - Giám đốc Công ty Lương thực Đồng Tháp cho rằng, đến thời điểm này, Đồng Tháp thực hiện 3 giai đoạn (bắt đầu từ ngày 14/7) giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là thời gian công nhân bốc xếp tại đơn vị “cầm cự” sản xuất đến thời điểm này. Tuy nhiên, do đặc thù công việc vận chuyển lúa gạo khá nặng nhọc cùng với việc ở lại nhà máy quá lâu khiến tâm lý công nhân không ổn định, mong muốn được thay thế nguồn lao động khác.
Về giải pháp, ông Khương đề xuất: “Đối với Công ty lương thực Đồng Tháp, lượng công nhân tại 6 nhà máy của đơn vị đóng trên các địa phương trên địa bàn tỉnh chủ yếu ở gần nhà máy hoặc cách đó 1-2km. Chính vì vậy, cần thực hiện phương án “tạo luồng xanh” bằng cách cho DN thay đổi, bổ sung công nhân trong những khu vực “vùng xanh” gần công ty. Theo đó, công nhân chỉ đi một đường từ chỗ ở đến nhà máy dưới sự phối hợp giám sát của chính quyền địa phương và DN, đảm bảo thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch tại DN. Giải pháp này giúp hoạt động sản xuất tại nhà máy được phục hồi được sau thời gian dài đình trệ”.
Cũng theo ông Khương, một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất lúa gạo là các DN đa phần thu mua gạo lức từ các nhà máy sấy. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống này ngừng hoạt động rất nhiều, gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất lúa gạo tại các DN.
Chia sẻ về khó khăn của nhà máy sấy lúa, ông Trương Văn Chính – Giám đốc Công ty TNHH Chơn Chính (thực hiện chức năng sấy lúa, xây xát, lau bóng gạo), cho biết, cũng như các DN gạo, hiện nay lượng công nhân ở hai nhà máy của công ty cũng giảm hơn 50% khiến việc bốc xếp vận hành gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, công ty còn có thêm lực lượng xuống đồng thu mua, liên kết với nông dân nhưng do việc quy định tại các trạm kiểm soát của từng địa phương khác nhau. Trong khi đó, quy định giấy xác nhận âm tính đối với các tài công chỉ có hiệu lực 72 giờ không đủ thời gian để vận chuyển hàng hóa từ các cánh đồng về nhà máy, gây khó khăn cho việc thu mua, chế biến.
Ông Chính đề xuất, ngoài việc có giải pháp ưu tiên cho DN thay đổi lao động, “tạo luồng xanh” cho đội ngũ trực tiếp xuống đồng địa phương cần có cơ chế ưu tiên tiêm vắc-xin cho lực lượng sản xuất, công nhân và đội ngũ trực tiếp xuống đồng thu mua lúa. Giải pháp này vừa đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ này vừa hỗ trợ DN thực hiện thu mua, chế biến thuận lợi.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lương thực Phương Đông đề xuất cần ưu tiên tiêm vắc-xin đồng loạt cho đối tượng trong chuỗi cung ứng lúa gạo. Bên cạnh đó, cần có đầu mối liên hệ nhằm hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho DN.
Hiện nay, lượng công nhân sản xuất ở lại các nhà máy chỉ chiếm 30-40%
Chung tay cùng tháo gỡ
Câu chuyện DN khó khăn bởi thiếu nhân công và việc thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất là chuyện chưa từng có tiền lệ tại Đồng Tháp nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Nhận thấy khó khăn của DN, các bộ, ngành, địa phương từng bước tháo gỡ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất.
Trước kiến nghị của địa phương và DN lúa gạo, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thành lập 1 Tổ công tác thường trực ở phía Nam do một Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách, nhằm nắm bắt kịp thời thông tin tình hình thu hoạch, tiêu thụ nông sản nói chung; đồng thời nắm bắt thông tin từ các DN, phối hợp với các địa phương để tháo gỡ khó khăn cho DN.
Tổ công tác này còn có nhiệm vụ trao đổi với các địa phương trong vùng, vận dụng các quy định phòng, chống dịch Covid-19 linh hoạt, sát thực tế đảm bảo có đủ nhân công thu hoạch, hỗ trợ thương lái từ địa phương này đến các địa phương khác thu mua lúa, hỗ trợ các DN xay xát, chế biến tiếp tục hoạt động khi đã đáp ứng được điều kiện “3 tại chỗ”, “một cung đường 2 điểm đến”.
Về tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại mở rộng hạn mức tín dụng giúp DN mạnh dạn tham gia mua tạm trữ cho bà con nông dân.
Đối với Đồng Tháp, tại cuộc họp với các DN lúa gạo hoạt động trên địa bàn tỉnh vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn ghi nhận và chia sẻ những khó khăn của cộng đồng DN. Phó Chủ tịch Huỳnh Minh Tuấn yêu cầu Sở Công Thương, Sở Y tế sớm hoàn thiện quy trình hướng dẫn cụ thể, đảm bảo an toàn, thuận tiện cho DN khi đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, ông Huỳnh Minh Tuấn kêu gọi DN sẵn sàng phương án “3 tại chỗ” để thích ứng với điều kiện tiếp tục giãn cách để phòng, chống dịch trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết: “Chúng tôi cũng họp bàn và có chính sách hỗ trợ DN tiêm vắc- xin trong điều kiện sớm nhất để hoạt động chuỗi sản xuất lúa gạo thuận lợi. Đồng thời, hiện nay một quy định bắt buộc đó là DN phải đảm bảo thêm nội dung “y tế tại chỗ” trong DN. Hiện, Sở Công Thương cũng gửi hướng dẫn đến các DN thực hiện “3 tại chỗ” đăng ký thực hiện “4 tại chỗ” để DN nắm và thực hiện. Đây là quy định chung của Bộ Y tế nên DN phải tuân thủ để đảm bảo an toàn trong điều kiện hiện nay.
Có thể nói, câu chuyện dịch bệnh bất ngờ khiến tất cả các hoạt động đình trệ được xem là “chưa có tiền lệ” đối với các DN lúa gạo. Việc từng bước tháo gỡ khó khăn để DN phục hồi sản xuất là câu chuyện tất yếu. Tuy nhiên, qua đợt dịch này, một vấn đề đặt ra đối với mô hình nhà ở, ký túc xá và y tế cho công nhân gần các khu công nghiệp, nhà máy cũng là câu chuyện cho DN cần suy ngẫm để nhân công gắn bó, duy trì sản xuất cùng DN.
MẪN NHY