Chương trình khuyến công - nguồn lực hỗ trợ kịp thời cho các cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm

Cập nhật ngày: 30/11/2022 13:08:11

ĐTO - Thời gian qua, với sự đồng hành của hoạt động khuyến công giúp các cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh khắc phục khó khăn, mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị vào sản xuất. Từ đó, mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, hoạt động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại các địa phương.


Từ nguồn kinh phí Đề án Khuyến công địa phương hỗ trợ, anh Bình đầu tư máy sấy chân không điện trở. 
Ảnh: M.N

Mong muốn khai thác lợi thế nguồn nguyên liệu địa phương và giải quyết việc làm cho người dân nông thôn, năm 2021, anh Phạm Thanh Bình ở xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh quyết định đầu tư cơ sở sấy nông sản trên địa bàn xã. Tuy nhiên, năm 2021 vừa bước vào kinh doanh, dịch Covid-19 bùng phát mạnh, hoạt động sản xuất dừng lại hoàn toàn, khiến cơ sở gặp nhiều khó khăn. Chính trong thời điểm ấy, từ nguồn kinh phí Đề án Khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (KC&TVPTCN) Đồng Tháp hỗ trợ cơ sở đầu tư trang thiết bị sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tiết kiệm chi phí đầu tư.

Anh Phạm Thanh Bình - chủ Cơ sở chế biến nông sản sấy Thanh Bình cho biết, với sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn vốn khuyến công địa phương giúp cơ sở có điều kiện phục hồi tốt sau dịch bệnh. Theo đó, cơ sở mạnh dạn đầu tư hệ thống máy sấy nông sản với tổng kinh phí đầu tư là 551 triệu đồng (kinh phí Khuyến công địa phương hỗ trợ 257 triệu đồng). Hiện, cơ sở có công suất hoạt động 1 tấn thành phẩm trái cây sấy khô/ngày đêm (tương đương 5 tấn nguyên liệu ướt). Từ sự đầu tư đó đưa việc kinh doanh tại cơ sở dần đi vào ổn định và hiệu quả hơn, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho 30 lao động nông thôn.

Tận dụng tiềm năng, lợi thế của làng bột trăm tuổi, năm 2021, anh Nguyễn Ngọc Giàu ở phường An Hòa, TP Sa Đéc khởi nghiệp với nghề sản xuất bánh phồng và các sản phẩm sau gạo. Từ nguồn vốn khuyến công địa phương, anh đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất sản phẩm sau gạo với tổng kinh phí hơn 636 triệu đồng (kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 300 triệu đồng). Việc hỗ trợ đầu tư các máy móc, thiết bị tiên tiến đã giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hướng tới việc hoàn thiện sản phẩm OCOP chất lượng cao hơn trong thời gian tới.


Việc đầu tư máy móc hiện đại giúp sản phẩm mít sấy và chuối sấy của Cơ sở chế biến nông sản sấy Thanh Bình đạt chất lượng cao

Theo Trung tâm KC&TVPTCN tỉnh, năm 2022, Sở Công Thương tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án Khuyến công địa phương hỗ trợ cho 22 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Tổng kinh phí hỗ trợ là 4,1 tỷ đồng. Việc hỗ trợ kịp thời này thể hiện sự quan tâm, sự đồng hành của UBND tỉnh đối với cơ sở CNNT. Qua đó, tạo động lực cho sự phát triển sản xuất trong các lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản của địa phương.

Để tiếp tục phát huy mạnh mẽ tiềm lực của ngành công nghiệp khu vực nông thôn, đưa ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong thời gian tới, Trung tâm KC&TVPTCN tỉnh tiếp tục triển khai chính sách khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời hỗ trợ các cơ sở CNNT phát triển sản xuất các lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, những ngành nghề phù hợp với tiềm năng, lợi thế địa phương...

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn