Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả
Cập nhật ngày: 11/07/2013 14:53:27
Sáng nay 11/7, tại hội trường UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN &PTNT) và UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả tại các tỉnh Nam bộ năm 2013.
Hội nghị do Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Vũ Văn Tám và PCT UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương chủ trì. Tham dự hội nghị còn có Thứ trưởng Bộ NN & PTNT, kiêm Cục trưởng Cục trồng trọt Lê Quốc Doanh; ông Huỳnh Minh Đoàn - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và đại diện Sở NN và PTNT 19 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ...
Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Vũ Văn Tám phát biểu tại hội nghị
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, gần đây, ngành xuất khẩu lúa gạo Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ thu hẹp, giá gạo xuất khẩu liên tục bị giảm. Nghề trồng lúa đang gặp khó khăn cả về giá bán cũng như thị trường tiêu thụ. Trong khi đó, hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn bắp hạt; 2,4 triệu tấn khô dầu đậu nành, 600 nghìn tấn hạt đậu nành và một số nguyên liệu khác để chế biến thức ăn chăn nuôi.
Trước bối cảnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả nhằm đạt được năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người sản xuất là việc làm thiết thực. Theo định hướng chuyển đổi của Bộ NN & PTNT, hai loại cây trồng chính trong chiến lược này là bắp và đậu nành. Về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng ĐBSCL, sẽ duy trì diện tích sản xuất toàn vùng khoảng 100 nghìn ha bắp, năng suất 55 tạ/ha, sản lượng hàng năm ổn định 550 nghìn tấn/năm. Chú trọng việc mở rộng diện tích bắp vụ xuân hè trên diện tích đất lúa năng suất thấp và điều kiện nguồn nước tưới khó khăn, trồng lúa kém hiệu quả.
Đối với cây đậu nành, Cục Trồng trọt sẽ phối hợp với Sở NN & PTNT các tỉnh ĐBSCL định hướng chiến lược phát triển đậu nành trên đất lúa. Triển khai canh tác một vụ đậu nành (xuân hè hay hè thu sớm) luân canh sau vụ lúa đông xuân. Mục tiêu nhằm giúp tăng diện tích đậu nành, tăng thu nhập và lợi nhuận cho người nông dân. Ngoài ra, trồng luân canh đậu nành còn cắt đứt nguồn lây lan của dịch bệnh trên lúa (đặc biệt là rầy nâu), tăng năng suất cây lúa, hạn chế cỏ dại, cải tạo các đặc tính sinh hóa của đất trong hệ thống luân canh, tăng hiệu quả kinh tế của sản xuất.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Vũ Văn Tám đề nghị lưu ý công tác tổ chức sản xuất và tổ chức lại sản xuất, trong quy hoạch chuyển đổi cây trồng vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ, phải xem xét vùng nào trồng lúa kém hiệu quả, hoặc vùng nào hiệu quả nhưng chuyển đổi sang trồng cây khác hiệu quả hơn, để hướng dẫn nông dân lựa chọn giống cây trồng phù hợp. Bên cạnh đó, chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; thực hiện tốt khâu kết nối giữa người sản xuất với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm nhằm hạn chế rủi ro, tăng thu nhập cho người sản xuất và duy trì phát triển bền vững vùng chuyển đổi. Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng đề nghị các địa phương chủ động tham mưu với UBND các tỉnh, các doanh nghiệp thực hiện tốt cơ chế chính sách của địa phương mình. Khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước chăm lo, liên kết với vùng sản xuất...
Thanh Hiền