Chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp
Cập nhật ngày: 02/12/2021 09:25:24
ĐTO - Giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp sẽ chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo định hướng tư duy từ sản xuất nông nghiệp dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tư duy kinh tế với mục tiêu là tăng giá trị.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 - đơn vị điển hình tiên tiến ở lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh có nhiều sáng tạo trong sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: MỸ NHÂN
Chuyển đổi tư duy
Ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành thông qua nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị, mở rộng thị trường. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp sẽ ở mức 2,5 - 3,0%/năm; tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (NLTS) 2,6 - 3,2%/năm, trong đó trồng trọt tăng 2,0 - 2,2%/năm; chăn nuôi tăng 4,0 - 5,0%/năm; thủy sản tăng 3,5 - 4,0%/năm; lâm nghiệp 5,0 - 5,5%/năm. Cả nước phấn đấu đến năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS khoảng 50 tỷ USD.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, sau khi thí điểm tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại Đồng Tháp, Bộ trưởng đã rút ra “6 từ khóa” để ứng dụng cho Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030. Cụ thể, 6 từ khóa đó là: “Hợp tác - Liên kết - Thị trường - Giảm chi phí – Tăng chất lượng – Đa dạng hóa sản phẩm”. Theo Bộ trưởng, nền nông nghiệp không thoát ly ra khỏi 4 thuộc tính chung của thế giới hiện tại (biến động, bất định, phức tạp, mơ hồ). Trong thế giới như vậy, nếu chúng ta không chịu tiếp cận nắm bắt thông tin, không chịu học hỏi, nếu cứ nghĩ rằng nền nông nghiệp sẽ mãi mãi là như vậy thì sẽ phải đánh đổi bằng những hậu quả khôn lường. “Lãnh đạo ngành nông nghiệp ở các địa phương phải tiếp cận, nắm bắt được những xu thế, cách người ta đặt vấn đề, cách người ta giải quyết vấn đề và cách mà thế giới đang vận động như thế nào”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Vừa qua, tại hội nghị, tập huấn “Quản lý nhà nước gắn với định hướng phát triển bền vững ngành NN&PTNT đến năm 2025 khu vực phía Nam” tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc lại những thí dụ điển hình khi ông còn làm Bí thư tỉnh Đồng Tháp, những lần cùng cán bộ lãnh đạo ngành nông nghiệp, doanh nghiệp, nông dân đi học tập, tham quan các mô hình thành công để làm sao giúp họ chuyển đổi tư duy. Muốn xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, thông minh thì trước tiên chúng ta phải tri thức, chuyên nghiệp hóa người nông dân. “Muốn có nền nông nghiệp thông minh thì phải có những người nông dân thông minh”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh và cho biết rất tâm đắc với câu nói của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đó là “Tương lai không nằm trên con đường kéo dài của quá khứ”.
Câu chuyện phát triển bền vững
Nhiều năm qua, Đồng Tháp là địa phương đi đầu trong tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, gắn sản xuất với nhu cầu thị trường tiêu thụ. Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, sản lượng lúa hàng năm của tỉnh đạt trên 3,37 triệu tấn, chủ yếu là lúa chất lượng, lúa đặc sản, lúa nếp giá trị cao. Trong 3 tháng cuối năm 2021, Đồng Tháp có khoảng 21.000 tấn xoài được sản xuất theo quy trình VietGAP, GobalGAP... Toàn tỉnh hiện có 178 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp; 934 tổ hợp tác, 106 trang trại đang hoạt động có hiệu quả. Doanh thu bình quân 1 HTX nông nghiệp là 2 tỷ đồng (tăng 565 triệu đồng), lợi nhuận bình quân 1 HTX là 254 triệu đồng, thu nhập bình quân 48 triệu đồng/năm/lao động thường xuyên. Một số HTX có cách làm mới như sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, mô hình xây dựng niềm tin với khách hàng (mô hình Ruộng nhà mình, Cây xoài nhà tôi, Cây cam vườn tôi); mô hình du lịch nông nghiệp... Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh”; phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, có trách nhiệm, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy tiềm năng lợi thế địa phương; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ; quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường, sinh thái...
Đồng Tháp có 2 dự án được triển khai song song đó là tiểu dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ICRSL-Mekong Delta Integrated Climate Resilience and Sustainable Livelihoods Project) ở các huyện: Tam Nông, Thanh Bình, Hồng Ngự và TP Hồng Ngự và “Mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi hỗ trợ chiến lược trữ lũ tại đồng bằng sông Cửu Long” ở huyện Tháp Mười. Điểm chung là hướng người nông dân đầu tư xây dựng mới (hoặc tận dụng nếu đã có sẵn) các ao và mương nước cập ruộng. Các mô hình thường kết hợp với cá hoặc sen. Nước nổi lên, thả nước lên ruộng, nhữ cá tự nhiên vào hoặc kết hợp thả thêm cá đồng. Đây là lúc cho ruộng ngấm phù sa. Tới giai đoạn cây lúa cần ít nước, rút nước (cá cũng theo đó) xuống ao trữ. Vị trí của Đồng Tháp có ý nghĩa to lớn của việc trữ nước ngọt cho địa phương cũng như cho cả vùng. Các mô hình nuôi cá, trồng sen xen lúa như thế đã tích hợp vào việc trữ nước ngọt liên vùng.
Nguyệt Đỗ