Chuyện về người nông dân sản xuất kinh doanh giỏi
Cập nhật ngày: 22/11/2021 10:31:19
ĐTO - 8 năm trước, gia đình ông Lê Minh Sĩ ở khóm 3, thị trấn Mỹ An (huyện Tháp Mười) là một trong những hộ khó khăn do ít đất sản xuất, ngoài 2.000m2 đất trồng lúa, vợ chồng ông phải làm thêm nhiều công việc để trang trải cuộc sống. Những năm này, Tháp Mười đang bước vào giai đoạn đầu thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp với 5 ngành hàng là lúa gạo, sen, vịt, cá sặc rằn và ếch. Qua tham khảo nhiều mô hình chăn nuôi và bàn bạc với gia đình, ông Sĩ quyết định chuyển đổi diện tích đất sang đào ao nuôi ếch kết hợp cá.
Mô hình nuôi khép kính của ông Lê Minh Sĩ
Những năm đầu, việc nuôi ếch cũng gặp nhiều khó khăn do chưa nắm vững các kỹ thuật chăn nuôi, đầu ra không ổn định. Tuy nhiên, ông vẫn không nản lòng, ông tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi của ngành chuyên môn, học hỏi thêm kinh nghiệm của những người đã nuôi trước và mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Ông kịp thời cập nhật các kiến thức chăn nuôi, thường xuyên theo dõi cung cầu của thị trường nên đã mạnh dạn chuyển đổi từ nuôi ếch thương phẩm sang nuôi theo hình thức khép kín từ nuôi ếch giống đến ếch thương phẩm trên vèo và cá dưới ao, trồng dừa, chuối trên bờ liếp. Nhờ vậy, giúp giảm chi phí đầu vào, tăng thêm thu nhập, nên những lúc giá ếch giảm mạnh, một số hộ nuôi thua lỗ thì ông vẫn có thể duy trì công việc chăn nuôi. Và từ 15.000 con/2.000m2 mặt nước ban đầu, sau 8 năm tích lũy, ông Sĩ đã có khu vực nuôi khép kín diện tích 1,6ha, với 120 vèo nuôi, số lượng 8,4 triệu con ếch giống thả nuôi/năm kết hợp nuôi cá tra dưới ao, bờ liếp trồng dừa. Tổng thu nhập sau trừ chi phí trên 7 tỷ đồng/năm.
Khi việc chăn nuôi ngày càng mở rộng, cần thêm nhiều người phụ việc, ông đã giúp cho 18 hộ khó khăn ở địa phương có việc làm và thu nhập ổn định thông qua công việc cho ếch ăn hoặc làm các công việc khác. Với nhiều năm nuôi ếch, lời có, thua lỗ cũng có, ông Sĩ tích lũy được nhiều kỹ thuật cũng như kinh nghiệm, đồng cảm và chia sẻ với những hộ khó khăn, ông sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật, cách chăn nuôi, thức ăn, con giống, đầu ra và hỗ trợ vốn. Ngoài ra, ông cũng đã tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới và an sinh xã hội 20 triệu đồng/năm.
Với những phấn đấu của mình, ông Lê Minh Sĩ được Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện tặng Giấy khen trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giai đoạn 2017-2019, nhưng có lẽ phần thưởng lớn nhất đối với người nông dân cần cù, tiết kiệm, chính là kinh tế gia đình của ông đã thay đổi từ khó khăn lên khá giả, xây dựng nhà cửa khang trang.
Thúy Ly