Cơ giới hóa trong nông nghiệp giúp hạ giá thành, tăng lợi nhuận
Cập nhật ngày: 21/08/2020 10:37:09
ĐTO - Với hơn 80% diện tích là đất nông nghiệp, chủ yếu sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản và cây ăn trái, những năm qua, để tăng năng suất và giảm tổn thất sau thu hoạch, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ nhằm tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp. Qua triển khai, lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp của tỉnh đã có nhiều khởi sắc, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nhiều mặt hàng.
Cấy lúa bằng máy
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thời gian qua, mức độ cơ giới hóa một số khâu trong nông nghiệp đạt tỷ lệ cao và tăng nhanh. Cụ thể, khâu làm đất lúa đạt 100%, khâu bơm nước đạt 100%, bảo vệ thực vật (phun thuốc bằng máy đeo vai) đạt trên 95%, sử dụng thiết bị bay phun thuốc chiếm khoảng 5% diện tích sản xuất (trên toàn tỉnh có khoảng 15 máy), thu hoạch lúa đạt 100%.
Đối với máy cấy lúa, hiện toàn tỉnh có 98 máy cấy tập trung nhiều nhất ở Tháp Mười, Cao Lãnh, Tam Nông. Các huyện còn lại có số máy cấy từ 3- 5 máy. Thông qua thực hiện mô hình trình diễn, đánh giá hiệu quả kinh tế tại các huyện, áp dụng máy cấy giúp giảm giá thành sản xuất lúa từ 200 – 700 đồng/kg và tăng năng suất từ 5 – 10%. Từ đó, hiệu quả đem lại từ máy cấy là 2 – 4 triệu đồng/ha. Việc ứng dụng máy cấy còn giúp hạn chế rủi ro do tác động của thời tiết, tăng chất lượng hạt gạo. Đầu tư máy cấy lúa còn giúp nông dân tăng thu nhập từ việc cấy thuê (từ 1,5 – 2,5 triệu đồng/ha), tạo thu nhập cho lao động tại địa phương từ 300 – 500 ngàn đồng/ngày.
Trên địa bàn tỉnh có 112 máy cuốn rơm các loại. Với công suất bình quân 5ha/ngày (100 cuộn/ha) đáp ứng khoảng 15.450ha/vụ, lợi nhuận 3.000 đồng/cuộn rơm, người đầu tư máy thu nhập 1,5 triệu đồng/ngày/máy. Việc bán rơm sau khi thu hoạch lúa giúp nông dân không phải đốt đồng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng thu nhập 500 đồng đồng/ha tiền rơm.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có mô hình áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười. Mô hình thực hiện cơ giới hóa đồng bộ khâu gieo cấy, phun xịt thuốc bằng máy bay, kết hợp thu hoạch bằng máy... nên giảm lượng giống, giảm lượng sâu rầy, phân bón, năng suất tăng cao để mang lại lợi nhuận cho bà con nông dân. Điểm nổi bật của mô hình là thực hiện ứng dụng nhiều công nghệ cao vào sản xuất lúa như: toàn bộ diện tích được thực hiện bằng phương pháp cấy bằng máy với lượng giống 60kg/ha, phun thuốc bằng máy bay không người lái, tưới ngập khô xen kẽ điều khiển bằng cảm biến, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng sổ điện tử - truy suất nguồn gốc nên giúp nông dân tiết kiệm được nhiều chi phí đầu tư và giảm nhân công lao động.
Thời gian qua, bên cạnh việc khuyến khích nhà vườn sản xuất cây ăn trái theo hướng an toàn, ngành nông nghiệp còn hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình tưới tự động, tiết kiệm nước giúp tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí công lao động để tưới và chăm sóc. Có thể kể đến như: hệ thống tưới thông minh tiết kiệm nước cho làng hoa kiểng TP.Sa Đéc với diện tích 110ha; hệ thống tưới thông minh tiết kiệm nước trong vùng cây ăn trái với diện tích 165ha tại các huyện Cao Lãnh, Lai Vung, Châu Thành...
Với thế mạnh về sản xuất rau, củ và cây ăn trái; diện tích sản xuất lúa của tỉnh Đồng Tháp hàng năm đạt trên 520.000ha với sản lượng đạt trên 3,3 triệu tấn, tiềm năng để đầu tư trang thiết bị có tính tự động hóa trong việc bón phân, phun thuốc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến rau, củ và cây ăn trái còn rất lớn. Tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích đưa cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nhằm tiết kiệm chi phí và tăng năng suất lao động, góp phần giải quyết tình trạng thiếu nhân công lao động trong thu hoạch, giảm nhẹ công sức lao động, tránh được độc hại, tăng lợi nhuận cho người nông dân.
MN