Cộng đồng chung tay đưa đàn sếu trở về

Cập nhật ngày: 02/11/2024 15:44:50

ĐTO - Ngày 2/11, tại TP Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Chương trình gặp gỡ các đơn vị đồng hành Đề án bảo tồn sếu đầu đỏ tại Tràm Chim - Đồng Tháp (viết tắt là Chương trình).

Tham dự Chương trình có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện, cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh và các đại biểu đại diện cho các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế cùng tham dự.


Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong (thứ 2 từ trái sang) trao đổi cùng các chuyên gia, doanh nghiệp tại Chương trình gặp gỡ các đơn vị đồng hành Đề án bảo tồn sếu đầu đỏ tại Tràm Chim - Đồng Tháp

Phát biểu tại Chương trình gặp gỡ, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong gửi lời cảm ơn chân thành đến các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đã đồng hành cùng địa phương trong công tác bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong nhấn mạnh, sếu đầu đỏ không chỉ là biểu tượng sinh thái đặc trưng của tỉnh  Đồng Tháp mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về văn hóa, tâm linh đối với người dân. Việc bảo tồn loài chim quý hiếm này không chỉ là bảo vệ đa dạng sinh học mà còn góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của người dân Đồng Tháp.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện (thứ 4 từ phải sang) cùng các đại biểu xem các tư liệu về sếu đầu đỏ

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn sếu đầu đỏ, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phục hồi và nâng cao chất lượng môi trường sống tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Nhờ đó, hệ sinh thái nơi đây đã có những chuyển biến tích cực, nhiều loài động vật quý hiếm đã quay trở lại. Đặc biệt, năm 2024, sự xuất hiện của 4 cá thể sếu đầu đỏ là một tín hiệu đáng mừng.

Tuy nhiên, con đường bảo tồn sếu đầu đỏ còn nhiều gian nan. Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong nhấn mạnh, thành công của Đề án không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của chính quyền mà còn cần sự chung tay của cộng đồng. Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tiếp tục đồng hành cùng Đồng Tháp chung tay xây dựng một môi trường sống tốt đẹp cho sếu đầu đỏ và các loài sinh vật khác.


Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu tại Chương trình gặp gỡ các đơn vị đồng hành Đề án bảo tồn sếu đầu đỏ tại Tràm Chim - Đồng Tháp

Thông qua Chương trình gặp gỡ, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong mong muốn tạo ra một diễn đàn để các đơn vị, tổ chức chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau tìm ra những giải pháp hiệu quả để bảo tồn, phát triển sếu đầu đỏ và nhiều loài động vật quý hiếm tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để tăng cường sự gắn kết giữa cộng đồng và chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ môi trường.


Bà Lê Nhật Thùy - Phó Tổng Giám đốc cấp cao Công ty Cổ phần C.P. Việt Nam chia sẻ tại Chương trình gặp gỡ các đơn vị đồng hành Đề án bảo tồn sếu đầu đỏ tại Tràm Chim - Đồng Tháp

Tham gia chia sẻ tại Chương trình gặp gỡ, bà Lê Nhật Thùy - Phó tổng Giám đốc cấp cao Công ty Cổ phần C.P. Việt Nam bày tỏ sự vui mừng khi được đồng hành cùng tỉnh Đồng Tháp trong triển khai Đề án bảo tồn sếu đầu đỏ.

Bà Thùy nhấn mạnh, đây không chỉ là đề án có ý nghĩa quan trọng về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học mà thông qua đề án, Công ty Cổ phần C.P. Việt Nam hi vọng sẽ góp phần giúp cho người dân địa phương nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế du lịch. Công ty Cổ phần C.P. Việt Nam cam kết sẽ đồng hành cùng với Đồng Tháp trên hành trình ý nghĩa này.

Cùng quan điểm với Công ty Cổ phần C.P. Việt Nam, nhiều tổ chức về bảo tồn, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài tỉnh đều đánh giá cao Đề án bảo tồn sếu đầu đỏ và định hướng phát triển kinh tế dựa trên bảo tồn hệ sinh thái của tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời, các tổ chức, đơn vị cam kết sẽ đồng hành cùng với Đồng Tháp trên hành trình ý nghĩa này.


Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp trao tặng quà thay lời tri ân đến các đơn vị đồng hành cùng tỉnh Đồng Tháp trong Đề án bảo tồn sếu đầu đỏ tại Tràm Chim

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, mục tiêu của “Đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032” sẽ nuôi, nhân đàn và thả ra tự nhiên khoảng 100 cá thể sếu, phấn đấu trong số đó có khoảng 50 cá thể sống tốt ngoài môi trường tự nhiên. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 185 tỷ đồng. Trong đó, 50% từ nguồn kêu gọi xã hội hóa của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, với khoảng 93 tỷ đồng, phần còn lại do ngân sách nhà nước cấp.

Phần kinh phí kêu gọi đóng góp, Đồng Tháp sẽ thực hiện một số nội dung, công việc như: chi phí tiếp nhận, nuôi dưỡng, nghiên cứu cho sinh sản và thả sếu ra môi trường tự nhiên; thực hiện cải tạo, phục hồi hệ sinh thái Vườn Quốc gia Tràm Chim, tạo sinh cảnh sống cho sếu đầu đỏ; xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững, tạo sinh kế cho người dân sinh sống trong vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim; thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; đầu tư thiết bị, cơ sở hạ tầng cơ bản, đảm bảo phục vụ nuôi dưỡng sếu.

Phát biểu tại Chương trình gặp gỡ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện gửi lời cảm ơn đến các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia và cá nhân đã đồng hành cùng tỉnh Đồng Tháp trong thực hiện Đề án bảo tồn sếu đầu đỏ tại Tràm Chim. Đồng thời nhấn mạnh, sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân là động lực to lớn để Đồng Tháp quyết tâm hoàn thành mục tiêu, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là loài sếu đầu đỏ quý hiếm tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Thành công của Đề án không chỉ mang ý nghĩa quan trọng đối với Đồng Tháp mà còn góp phần bảo vệ hệ sinh thái Ramsar của cả nước.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn