Công ty Điện lực Đồng Tháp thực hiện nhiều giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động
Cập nhật ngày: 31/10/2021 06:18:51
ĐTO - Với những nỗ lực hướng tới là một doanh nghiệp số, thời gian qua, Tổng công ty Điện lực miền Nam nói chung, Công ty Điện lực Đồng Tháp nói riêng đã ứng dụng một số thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thực hiện nhiều giải pháp chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động, góp phần cải thiện dịch vụ khách hàng (KH) và nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện trên địa bàn tỉnh. Công ty xác định chuyển đổi số cần xây dựng một hệ sinh thái kỹ thuật số mạnh mẽ, linh hoạt, đặt nền tảng cho tiến trình xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, tạo môi trường quản lý hiện đại, hòa nhập với nền kinh tế số, hiện thực quyết tâm vươn tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025 và phát triển ngang tầm với ngành điện các nước tiên tiến trong khu vực.
Khách hàng thực hiện yêu cầu cấp điện tại nhà qua mạng
Theo đó, các hoạt động quản lý thủ công bằng sổ sách, giấy tờ sẽ chuyển đổi sang quản lý bằng hình thức điện tử; các hoạt động chưa tự động được chuyển thành tự động; áp dụng các công nghệ mới thay thế cho các công nghệ cũ lạc hậu, tận dụng sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số để gia tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ và nâng cao năng suất lao động, năng lực quản trị trong toàn EVN.
Trong hoạt động quản trị nội bộ của công ty, hệ thống văn phòng điện tử đã vận hành sử dụng công nghệ nhận dạng dữ liệu, số hóa toàn bộ văn bản, tiếp nhận và luân chuyển văn bản đến, văn bản đi; khai thác báo cáo điện tử, quản lý và lưu trữ hồ sơ số trên hệ thống dữ liệu dùng chung; triển khai văn bản và nghiệp vụ văn phòng được thực hiện trên nền tảng máy tính kết nối mạng. Giải pháp tích hợp chữ ký số cho phép người dùng điều hành, xử lý văn bản nhanh chóng trên môi trường Internet và quản lý công việc hiệu quả. Hệ thống lưới điện 110kV được số hóa trên hệ thống máy tính và được giám sát, vận hành trực tuyến tại Trung tâm Điều hành SCADA, đồng thời kết nối đồng bộ với Trung tâm điều khiển từ xa tại các công ty, kịp thời phát hiện và xử lý sự cố lưới điện nhanh chóng.
Công ty cũng ứng dụng bước đầu hệ thống thông tin địa lý GIS như một công cụ tích hợp, liên kết với hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý lưới điện, quản lý KH; nỗ lực chuyển đổi hoạt động đo đếm điện năng từ hình thức thủ công sang hình thức tự động thông qua hệ thống thu thập quản lý dữ liệu đo đếm từ xa dựa trên công nghệ số.
Đến nay, Công ty Điện lực Đồng Tháp đã thực hiện nhiều nội dung chuyển đổi số trong kinh doanh và dịch vụ KH mang lại nhiều hiệu quả. Công ty triển khai đa dạng hóa các kênh giao dịch trực tuyến: KH có thể yêu cầu các dịch vụ điện qua Tổng đài TTCSKH, Tổng đài Thông tin dịch vụ công 1022 tỉnh Đồng Tháp hoặc đăng ký trực tuyến qua Website TTCSKH, Zalo OA EVNSPC, app CSKH EVNSPC. 12/12 dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ Công Quốc gia, trang web Trung tâm chăm sóc khách hàng (cấp điện mới từ lưới điện trung áp; cấp điện mới từ lưới điện hạ áp; thanh toán tiền điện; thay đổi công suất sử dụng điện/thay đổi loại công tơ 1 pha, 3 pha; thay đổi vị trí thiết bị đo đếm; thay đổi mục đích sử dụng điện; thay đổi định mức sử dụng điện; thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện; thay đổi thông tin đã đăng ký; thay đổi hình thức thanh toán tiền điện; gia hạn hợp đồng mua bán điện; chấm dứt hợp đồng mua bán điện). Các dịch vụ này, mọi hồ sơ, thủ tục của KH sẽ được đơn giản hóa và thuận tiện. Một số giấy tờ như: Giấy đề nghị mua điện, giấy tờ tùy thân sẽ được thay thế bằng các thông tin người dùng đã được Cổng dịch vụ công quốc gia xác thực và định danh. Nhờ đó, giúp người dân và doanh nghiệp giảm thời gian thực hiện các giao dịch, đồng thời có thể giám sát quá trình thực hiện và đánh giá, phản ánh về các việc cung cấp dịch vụ của ngành điện.
Triển khai cung cấp các dịch vụ điện theo phương thức điện tử (dịch vụ cung cấp điện mới từ lưới điện hạ áp; dịch vụ cung cấp điện mới từ lưới điện trung áp; các dịch vụ trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán điện; các dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến ngành điện, KH chỉ gửi yêu cầu và file ảnh chụp các hồ sơ liên quan trực tuyến qua website TTCSKH. Sau khi đăng ký thành công, KH sẽ nhận được tin nhắn thông báo mã yêu cầu và hẹn thời gian khảo sát. KH có thể tra cứu tiến trình thực hiện yêu cầu qua web theo mã yêu cầu này, trình tự các bước nghiệp vụ điện lực cũng triển khai điện tử hóa như: thực hiện khảo sát cấp điện bằng máy tính bảng, lập hồ sơ điện tử phương án cấp điện, hợp đồng mua bán điện điện tử, KH có thể ký điện tử trực tuyến thông qua mã OTP nhận được từ số điện thoại đã đăng ký song song với hồ sơ bản giấy. Các hồ sơ điện tử, hợp đồng điện tử này có giá trị tương đương hợp đồng bản giấy, hướng tới sẽ thay thế hoàn toàn cho bản giấy. Anh Trương Việt Toàn (số 430, đường Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 1, TP Cao Lãnh) vừa thực hiện yêu cầu cấp điện trực tuyến và ký kết hợp đồng mua bán điện điện tử chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất hài lòng khi thực hiện các thủ tục xin cấp điện chỉ qua mạng và thực hiện tại nhà. Đặc biệt, trong tình hình dịch Covid-19, mọi người đang hạn chế đi ra đường khi không thật sự cần thiết, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, thì đây là giải pháp tuyệt vời. Tôi gửi yêu cầu nhanh chóng, thuận tiện, không cần phải đến Điện lực. Hồ sơ chỉ cần chụp ảnh gửi lên web và có thể tra cứu theo dõi được tiến độ Điện lực đã giải quyết yêu cầu đến đâu,...”.
Đơn vị cũng chuyển đổi từ hình thức thanh toán tiền điện bằng tiền mặt tại nhà, tại trụ sở Điện lực sang hình thức thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài hình thức thanh toán tiền điện trực tuyến, không dùng tiền mặt, từ tháng 10/2021, công ty cũng bắt đầu triển khai cho KH có thể thanh toán trực tuyến chi phí các dịch vụ: di dời thiết bị đo đếm; đóng cắt điện (đối với trường hợp cắt điện do nợ tiền điện theo quy định);nâng công suất. Đồng thời triển khai ứng dụng Chăm sóc KH dùng điện trên thiết bị di động như: trang Zalo EVN SPC, app “CSKH EVNSPC” giúp KH có thể tiếp nhận các thông báo tiền điện, lịch ngừng giảm cung cấp điện và các thông tin về điện khác,... (thông qua ứng dụng này, KH cũng có thể chủ động tra cứu các thông tin về điện mọi lúc, mọi nơi).
Ông Nguyễn Quang Vinh - Trưởng Phòng Kinh doanh Điện lực TP Cao Lãnh cho biết, chuyển đổi số trong xử lý công việc, đơn vị đã thực hiện thay thế 100% công tơ từ công tơ khí sang công tơ điện tử, áp dụng công nghệ đo đếm từ xa giúp cho việc quản lý ghi chỉ số được chính xác, kịp thời và chặt chẽ hơn. Trong công tác giải quyết yêu cầu KH, việc áp dụng chuyển đổi số sẽ chuyển đổi các hoạt động quản lý thủ công bằng sổ sách, giấy tờ sang quản lý bằng hình thức điện tử như: khảo sát chiết tính bằng máy tính bảng, dữ liệu khảo sát được cập nhật trên máy tính tại hiện trường và đồng bộ dữ liệu vào chương trình quản lý KH; công tác giải quyết các hồ sơ giữa các bộ phận nội bộ Điện lực được nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả công việc, giải quyết yêu cầu KH cũng được nhanh chóng, chính xác, minh bạch.
Thực hiện chuyển đổi số, đến nay, Công ty Điện lực Đồng Tháp có 228.901 KH thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, đạt 43,33% trên tổng số KH có phát sinh hóa đơn tháng 9/2021; KH giao dịch 12 dịch vụ cung cấp điện qua Trung tâm CSKH và Trung tâm/Cổng Dịch vụ công Quốc gia thực hiện 99,99%; KH sử dụng dịch vụ cung cấp điện trực tuyến cấp độ 4 thực hiện 99,83%; KH giao dịch qua Cổng dịch vụ công Quốc gia thực hiện 51,61%; điện tử hóa toàn bộ quá trình cung cấp dịch vụ điện, tỷ lệ giao dịch điện tử thực hiện 99,79%; KH sử dụng dịch vụ cung cấp điện qua email/App/Zalo thực hiện 60,21%...
Thành Nam