Huyện Lai Vung, Lấp Vò
Đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong thời điểm giãn cách xã hội
Cập nhật ngày: 14/07/2021 09:47:56
ĐTO - Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cấp, ngành trên địa bàn huyện Lai Vung, Lấp Vò đã quyết liệt thực hiện giải pháp, chủ động phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân trong mọi tình huống diễn biến dịch bệnh.
Người dân mua sắm thực phẩm tại cửa hàng Bách hóa Xanh ở thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung
Theo UBND huyện Lai Vung, thời điểm hiện tại, cùng với các biện pháp phòng, chống dịch thì việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu đã được các cơ quan, lực lượng chức năng trên địa bàn huyện đặc biệt quan tâm và triển khai bằng nhiều biện pháp.
Chủ động trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND huyện yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn chủ động dự trữ hàng hóa đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân trong thời gian phòng, chống dịch; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dự trữ số lượng hàng nhiều hơn kế hoạch phân bổ. Ngoài ra, phải xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho người lao động và khách đến mua hàng tại các điểm bán nhằm điều tiết hàng hóa khi trên địa bàn có biến động. Đến nay, về cơ bản các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện đã chủ động được nguồn cung hàng hóa, điều tiết trong hệ thống, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Ông Trần Minh Tùng ngụ Khóm 1, thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung cho biết: “Trong đợt dịch này, tôi cũng hơi lo lắng về nguồn cung ứng thực phẩm thiết yếu. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tôi rất an tâm bởi nguồn cung hàng hóa tại chợ và các cửa hàng vẫn đầy đủ, phong phú, giá cả ổn định”.
Ông Dương Minh The - Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lai Vung cho biết: “Thời gian qua, đơn vị đã chủ trì đề xuất phương án điều phối cho các xã, thị trấn nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân khi xảy ra thiếu hàng, đứt hàng hoặc có cung ứng hàng hóa cho khu vực cách ly. Phối hợp với Sở Công Thương nắm đầu mối, thông tin năng lực sản xuất, năng lực cung ứng hàng hóa của các địa phương khác để kịp thời có đề nghị hỗ trợ, cung ứng hàng hóa cho huyện khi nguồn cung trên địa bàn thiếu hàng; nắm chắc nguồn cung các mặt hàng thiết yếu và một số mặt hàng phục vụ người dân để tăng cường hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác đảm bảo nguồn cung. Đồng thời để hạn chế tập trung đông người, đơn vị cũng yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tăng cường bán hàng qua kênh thương mại điện tử và thực hiện phương thức giao hàng tận nhà...”.
Theo UBND huyện Lấp Vò, địa phương hiện có 31 chợ, mạng lưới chợ nông thôn, chợ trung tâm xã được đầu tư, nâng cấp để đảm bảo lưu thông hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân. Ngoài ra, còn có các cửa hàng tiện lợi, siêu thị trên địa bàn huyện (gồm 6 cửa hàng Bách hóa Xanh, 5 cửa hàng Điện máy xanh, 1 cửa hàng bách hóa mini, 1 cửa hàng rau sạch). Đồng thời, có 62 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu và 59 cửa hàng bán lẻ khí dầu mỏ hóa lỏng, nằm phân bố đều cho các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Trên cơ sở số nhu yếu phẩm, hàng hóa hiện có trên địa bàn các xã, thị trấn cơ bản đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của người dân.
Ông Trần Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò cho biết, thời gian qua, địa phương thường xuyên phân công cán bộ nắm bắt tình hình cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ người dân khi xảy ra dịch bệnh và diễn biến tình hình của dịch bệnh trên địa bàn. Khi xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, UBND các xã, thị trấn kịp thời báo cáo UBND huyện chỉ đạo giải quyết. Huyện cũng yêu cầu các cửa hàng tiện ích, tạp hóa, các nhà phân phối trên địa bàn quản lý có phương án đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về công tác chuẩn bị, đảm bảo hàng hóa phục vụ, kêu gọi người dân không thu gom, tích trữ hàng hóa tránh gây hiện tượng thiếu hàng, tăng giá. UBND huyện cũng phân công các cơ quan chuyên môn phối hợp với Đội Quản lý thị trường 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến đối với các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch bệnh và mặt hàng thiết yếu...
Trang Huỳnh