Đầu tư kết cấu hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi để vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển
Cập nhật ngày: 21/10/2021 18:49:00
ĐTO - Sáng ngày 21/10, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết các nhiệm vụ của ngành GTVT thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2001-2010 và 2011-2020.
Tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang chủ trì Hội nghị.
Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và Kết luận số 28-KL/TW, nhiều dự án giao thông của vùng đã được đầu tư hoàn thành, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực, góp phần củng cố an ninh - quốc phòng. Trong đó, phải kể đến các công trình trên tuyến quốc lộ như Cầu Rạch Miễu, cầu Cần Thơ, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống… giúp rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương với TP Hồ Chí Minh và khu vực Đông Nam bộ. Tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi… đưa vào sử dụng đã kết nối giao thông nội vùng và liên vùng.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang cho rằng, việc quan tâm của các bộ, ngành Trung ương trong triển khai các dự án giao thông đã giúp Đồng Tháp và các địa phương trong vùng có điều kiện phát triển kinh tế. Tuy nhiên, so về lợi thế hiện nay, việc đầu tư chưa tương xứng với sự đóng góp và mật độ dân số của vùng. Theo đó, hiện cả vùng ĐBSCL chỉ có 45km đường cao tốc TP HCM - Trung Lương là đầu tư hoàn chỉnh; các tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận chuẩn bị hoàn thành, tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ đang thi công cần có thời gian hoàn thành.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Trí Quang phát biểu tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp
“Việc các công trình chậm hoàn thành làm cho chi phí logistics tăng cao, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Cùng với đó, việc kết nối giao thương với TP HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ khó khăn”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang chia sẻ.
Trước thực trạng này, ông Trần Trí Quang kiến nghị Bộ GTVT tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông có tính liên vùng, tạo điều kiện thuận lợi để vùng ĐBSCL kết nối thuận lợi với TP HCM và vùng Đông Nam bộ. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hoàn chỉnh sẽ góp phần giảm chi phí logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Đối với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị tập trung đầu tư các đoạn cao tốc phía Đông, Tây tuyến cao tốc kết nối An Hữu - Cao Lãnh. Cụ thể là các công trình Mỹ Thuận - Cần Thơ, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau, Cao Lãnh - Mỹ An, tuyến An Hữu - Cao Lãnh, cầu Mỹ Thuận 2; đầu tư các tuyến Quốc lộ còn chưa hoàn thành theo Nghị quyết (tuyến N1, N2). Về đường thủy, Bộ GTVT cần đầu tư nâng cấp các tuyến đường thủy quốc gia như tuyến Mương Khai - Đốc Phủ Hiền kết nối sông Tiền - sông Hậu. Riêng đường sắt cần nghiên cứu tuyến đường sắt kết nối TP HCM với vùng ĐBSCL.
Ngoài ra, hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, tuy nhiên việc thực hiện vẫn còn chậm, đặc biệt là nguồn lực thực hiện (gói hỗ trợ 2 tỷ USD theo cam kết của Chính phủ). Do đó, ông Trần Trí Quang đề nghị Bộ GTVT và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ để tạo điều kiện cho các tỉnh vùng ĐBSCL phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng.
MN