Đầu tư phát triển vùng ven sông Tiền, sông Hậu và kinh xáng Lấp Vò
Cập nhật ngày: 27/02/2013 06:44:21
Sông Tiền và sông Hậu là 2 trục đường thủy quốc tế quan trọng từ biển Đông chảy qua trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về PhnomPenh (Campuchia), thuận lợi cho phát triển giao thương kinh tế vùng với các nước ASEAN và thế giới. Hiện nay phần lớn các trung tâm kinh tế - xã hội (KTXH) của vùng ĐBSCL đều hình thành và phát triển dọc theo 2 nhánh sông này.
Kinh xáng Lấp Vò - Sa Đéc, tuyến vận tải thủy quan trọng vùng ĐBSCL
Nối liền sông Tiền và sông Hậu là kinh xáng Lấp Vò - Sa Đéc, tuyến giao thông thủy huyết mạch rất thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa từ vùng tứ giác Long Xuyên đi thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả các tuyến này do Trung ương quản lý, Chính phủ đang có những chương trình đầu tư lớn để khai thác, thúc đẩy giao thương trong nước và quốc tế.
Với những lợi thế đó, có thể nói vùng ven sông Tiền, sông Hậu và kinh xáng Lấp Vò là vùng đất "vàng" thiên nhiên đã ban tặng cho tỉnh Đồng Tháp. Khai thác lợi thế này, trong những năm qua Đồng Tháp đã đầu tư xây dựng, hệ thống đô thị, thị tứ ven sông, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, cùng với việc phát triển hạ tầng KTXH ngày càng tốt hơn.
Nhiều quy hoạch, dự án, chương trình được hình thành, nhiều khu, cụm công nghiệp, các chợ hạng 1, siêu thị, dịch vụ, du lịch được tập trung khai thác, trong đó phát triển mạnh lĩnh vực nuôi trồng chế biến thủy sản, thức ăn chăn nuôi, xuất nhập khẩu hàng hóa với kim ngạch lớn, tạo thành nền tảng và động lực thúc đẩy phát triển KTXH của tỉnh.
Theo số liệu của Sở Công Thương, trong 20 năm qua, công nghiệp, thương mại, dịch vụ (CN, TM-DV) trên các tuyến sông này ước tính đóng góp trên 80% GDP và nguồn thu ngân sách của tỉnh. Không những đóng vai trò trung tâm kinh tế mà còn trở thành lợi thế đặc biệt của tỉnh trong chiến lược phát triển CNH-HĐH nền kinh tế trong những năm tới.
Mặc dù đã đạt được một số thành tựu quan trọng, nhưng do thiếu tầm nhìn chiến lược nên chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của vùng; việc khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường hiệu quả chưa cao, thiếu tính bền vững; một số ngành chưa theo kịp sự phát triển chung của ngành công nghiệp, nông nghiệp nên tạo ra sự thiếu đồng bộ trong vận hành chung của nền kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả trong các khu,
cụm công nghiệp dọc theo sông Tiền, sông Hậu
Trong tầm nhìn đến năm 2020 và năm 2030, Chính phủ sẽ đẩy mạnh triển khai đầu tư nâng cấp và phát triển hệ thống giao thông hoàn chỉnh với các tuyến trục theo QL 30, QL 54, QL 80, đường N2 - Hồ Chí Minh, đường cao tốc Mỹ Thuận - Cao Lãnh; các hệ thống cảng và các tuyến đường thủy sẽ là cơ hội thu hút các dự án đầu tư. Qua đó sẽ đánh thức tiềm năng vùng ven sông Tiền, sông Hậu, dọc kinh xáng Lấp Vò trở thành hành lang kinh tế trọng điểm, phục vụ đắc lực cho phát triển KTXH, nhất là trong lĩnh vực CN, TM-DV, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm hàng hóa và nền kinh tế của tỉnh.
Định hướng cho sự phát triển của vùng, trong đó ưu tiên phát triển CN, TM-DV có vai trò thúc đẩy phát triển KTXH toàn tỉnh, với đầy đủ hạ tầng KTXH, môi trường được bảo đảm bền vững. Về sản phẩm công nghiệp, tỉnh sẽ phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản, dược, dệt may, cơ khí nông nghiệp, sửa chữa và đóng mới tàu thuyền; từng bước phát triển theo chiều sâu, nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời thu hút thêm ngành công nghiệp mới.
Bên cạnh đó, phát triển nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến nông sản, thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm; phát triển hệ thống thị trường hàng hóa ở nội địa, gồm có hàng tiêu dùng, hàng tư liệu sản xuất, hàng xuất khẩu...
Để đáp ứng phục vụ cho phát triển CN, TM-DV, tỉnh sẽ phát triển hạ tầng giao thông đường bộ cũng như đường thủy; hệ thống bến bãi, cảng biển, bến thủy nội địa, cảng hành khách, bến tàu;... Bên cạnh đó, phát triển hệ thống đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo các nhóm nghề theo các ngành sản xuất phù hợp với từng vùng, phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo chung của tỉnh đến năm 2015 là 55,5%, đến năm 2020 là 69%. Tăng cường công tác bảo vệ và cải thiện môi trường; quản lý khai thác hợp lý tài nguyên; khuyến khích sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.
Để đẩy mạnh phát triển vùng ven sông Tiền, sông Hậu và kinh xáng Lấp Vò - Sa Đéc, Sở Công Thương đã đề ra các giải pháp thực hiện. Ngoài các giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực CN,TM-DV, trong đó sẽ tập trung quy hoạch phát triển CN, TM-DV các tuyến sông một cách đồng bộ có tính liên kết toàn vùng. Tiến hành đầu tư hạ tầng và xây dựng các dự án, chương trình đầu tư trọng điểm.
Đồng thời, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh địa phương, giới thiệu những tiềm năng cơ hội đầu tư vào tỉnh. Bên cạnh đó, khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, khoáng sản, thủy sản, bảo vệ môi trường...
Vùng ven sông Tiền, sông Hậu và dọc kinh xáng Lấp Vò - Sa Đéc đã có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, khi được tập trung đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh và có định hướng phát triển phù hợp đây sẽ là vùng động lực phát triển mọi mặt cho toàn tỉnh.
AQ