Tân Hồng

Đẩy mạnh phát triển ngành hàng chủ lực gắn với giảm giá thành sản xuất

Cập nhật ngày: 01/02/2024 05:43:44

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240201054451dt2-5.mp3

 

ĐTO - Theo UBND huyện Tân Hồng, năm 2023, diện tích lúa xuống giống được 56.823/55.753ha, đạt 101,91% so kế hoạch năm. Trong đó, diện tích sản xuất lúa giảm giá thành chiếm 24%, diện tích lúa chất lượng cao chiếm 58%. Riêng diện tích liên kết trong sản xuất lúa đến nay đạt 20.900ha, đạt 110% kế hoạch.


Mô hình trồng mè trên đất lúa tại xã Bình Phú, huyện Tân Hồng mang lại thu nhập cao cho nông dân (Ảnh: Nhật Khánh)

Diện tích xuống giống cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày trong năm 2023 xuống giống được 3.835,25/3.300ha, đạt 116,21% so kế hoạch. Sản xuất hoa màu có lợi nhận cao gấp 2 lần sản xuất lúa. Tuy nhiên, trồng hoa màu đòi hỏi nhiều công lao động và người trồng phải có kỹ thuật, do đó, người dân trên địa bàn huyện chưa mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng hoa màu nhiều. Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 558ha trồng cây ăn trái gồm các loại cây chủ yếu như: xoài, mít, ổi, cây có múi, sầu riêng...

Theo thống kê của huyện Tân Hồng, tổng đàn trâu, bò hiện có 19.970/18.000 con, so với cùng kỳ tăng 1.026 con; tổng đàn gia cầm là 1.252.747 con. Diện tích thả nuôi thủy sản trong năm 2023 đạt 1.290ha (cá tra thương phẩm, ương giống, thủy sản khác...). Theo đó, công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, thủy sản được thực hiện thường xuyên và kiểm soát tốt, các đối tượng dịch bệnh phát sinh và chỉ gây hại nhẹ.

Với thế mạnh sản xuất nông nghiệp, huyện tập trung phát triển nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Đến nay, trên địa bàn huyện có 35 vùng trồng được cấp mã số với tổng diện tích 9.959,32ha (vùng trồng lúa và vùng trồng cây ăn trái); tăng 26 vùng trồng, diện tích 7.928,768ha so với đầu năm 2022. Trong đó, có mã 2 số vùng trồng cây ăn trái (sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc) được phê duyệt xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trong năm 2023, huyện tập trung thực hiện 6 mô hình mới. Trong đó có 5 mô hình đang thực hiện thuộc Đề án Phát triển trung tâm dịch vụ nông nghiệp, gồm: mô hình nuôi lươn thương phẩm trong bể tuần hoàn; sản xuất giống cá chạch lấu; nuôi bò sử dụng thức ăn ủ chua; nuôi heo theo hướng an toàn sinh học; trồng nấm rơm trong nhà.

Đáng chú ý là mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP vụ thu đông 2023, quy mô 123,8ha/33 hộ tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phước Lộc, thuộc cánh đồng trọng điểm xã An Phước. Theo đó, nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% vật tư đầu vào với định mức lúa giống (cấp xác nhận) 60kg/ha; phân urê 100kg/ha; phân DAP 75 kg/ha; kali 50kg/ha; 50% thuốc bảo vệ thực vật (tương đương 500.000 đồng/ha); 50% chi phí đánh giá chứng nhận VietGAP... Kết quả, nông dân tham gia mô hình áp dụng đúng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao kỹ năng quản lý ruộng lúa, nhận diện đúng các đối tượng dịch và có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Qua đó giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm hơn, thu gom bao bì sau sử dụng, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Đặc biệt lúa được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn VietGAP được công ty thu mua cao hơn 100 đồng/kg so với lúa không có chứng nhận VietGAP. Ruộng mô hình thu lợi nhuận cao hơn ruộng ngoài mô hình khoản 800.000 đồng/ha. Mô hình đáp ứng được các yêu cầu theo tiêu chuẩn VietGAP và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 123,8ha/33 hộ tham gia. Mô hình mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế, xã hội và môi trường, có khả năng nhân rộng ra các xã, thị trấn.

Hướng đến sự phát triển bền vững, huyện Tân Hồng còn quan tâm, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể. Tổng số hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện là 12 hợp tác xã, với tổng số 1.038 thành viên, ngành nghề kinh doanh chủ yếu của các hợp tác xã là dịch vụ bơm tưới, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, trên địa bàn huyện hiện có 9 hội quán với tổng số 491 hội viên.

Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi số ngành nông nghiệp được địa phương chú trọng thực hiện. Thời gian qua, UBND cấp xã và cơ quan chuyên môn ngành huyện thực hiện báo cáo trên phần mềm Vdapes đầy đủ biểu mẫu, số liệu và đúng thời gian quy định, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá tốt; 100% sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện được hỗ trợ lên sàn giao dịch điện tử; cấp 190 mã số nhận diện cho 181,5ha ao nuôi cá tra thương phẩm trên địa bàn huyện. Địa phương còn phối hợp với VNPT Đồng Tháp triển khai hệ sinh thái chuyển đổi số nông nghiệp (VNPT check và nhật ký sản xuất điện tử) đến Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phước Lộc (xã An Phước) và Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hòa Phát (xã Tân Hộ Cơ).

Thông qua việc kiểm tra thực tế cấp mới và duy trì mã số vùng trồng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện hướng dẫn đại diện vùng trồng cách sử dụng và cập nhật nhật ký sản xuất điện tử trên ứng dụng đồng hành của Công ty Rynan. Theo đó, có 33 đại diện vùng trồng được cấp mã số vùng trồng biết sử dụng sổ nhật ký điện tử.

Từ những kết quả đạt được và những dự báo, huyện Tân Hồng định hướng mục tiêu chung phát triển kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2024 thúc đẩy chuyển đổi tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực và tạo động lực phát triển ngành hàng chủ lực gắn với giảm giá thành, tăng giá trị trên cùng đơn vị sản xuất...

Theo đó, huyện đề ra mục tiêu cụ thể năm 2024 với diện tích trồng lúa đạt 56.719ha, năng suất bình quân đạt 66 tạ/ha, sản lượng đạt 374.846 tấn; có thêm 5.000ha trồng lúa được cấp mã số vùng trồng và có thêm 2 vùng cây ăn trái được cấp mã số vùng trồng. Diện tích liên kết trong sản xuất đạt 20.000ha; diện tích sản xuất giảm giá thành đạt 12.000ha; diện tích sản xuất sử dụng giống lúa chất lượng cao đạt 28.000ha. Đối với diện tích sản xuất hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày đạt 3.300ha; giữ ổn định số lượng đàn trâu bò 18.000 con; sản lượng thủy sản đạt 122.000 tấn...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn