Đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng bền vững
Cập nhật ngày: 20/04/2023 15:09:43
ĐTO - Sáng ngày 20/4, Sở Công Thương tổ chức Hội nghị Sơ kết đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày11/01/2021 của UBND tỉnh Đồng Tháp về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh hội nghị
Thời gian qua, Sở Công Thương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt thông tin về lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp và sử dụng bao bì thân thiện với môi trường; hướng dẫn người dân thực hành tốt về mua sắm xanh, thực hiện lối sống hài hòa với thiên nhiên. Trên tinh thần thúc đẩy sản xuất sạch hơn xây dựng mạng lưới liên kết sản xuất, hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững theo chuỗi dòng đời sản phẩm, Sở Công Thương phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức và tham gia các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu nhằm hỗ trợ các thành viên hội quán, hợp tác xã, doanh nghiệp quảng bá giới thiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ.
Từ Chương trình khuyến công, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hợp tác xã đầu tư máy móc, thiết bị, quảng bá thương hiệu, xây dựng các cửa hàng bán nông sản thực phẩm an toàn. Sở Công thương phối hợp với các địa phương tập huấn về phát triển nhãn hiệu bao bì sản phẩm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thị trường. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch quan tâm phổ biến tuyên truyền định hướng về phát triển loại hình du lịch sinh thái theo hướng bền vững; xây dựng, phát triển nhân rộng các mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững gắn với giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống, phương tiện thân thiện môi trường…
Qua thời gian thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, phần lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thống nhất tuân thủ quy định pháp luật trong bảo vệ môi trường, nâng cao sử dụng tài nguyên, năng lượng giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất và phân phối. Bên cạnh đó, người dân ý thức cao trong việc lựa chọn sử dụng sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…
Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, việc thực hiện chương trình vẫn còn một số khó khăn nhất định như cơ chế hỗ trợ đầu tư thay thế dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng còn hạn chế so với tổng mức đầu tư của doanh nghiệp; việc giảm tiêu thụ túi ni-lông chưa đạt như mong đợi; các doanh nghiệp khó khăn về tài chính nên chưa chú trọng thực hiện kiểm toán năng lượng và áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…
Trước những thuận lợi và khó khăn đó, tại hội nghị, nhiều đại biểu chia sẻ, trao đổi về các nội dung về tình hình triển khai thực hiện công tác cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi tập huấn hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp quản lý; tình hình triển khai, phổ biến hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa và túi ni-lông, nhân rộng các mô hình, các biện pháp thu gom, giảm thiểu, tái sử dụng chất thải có hiệu quả. Đồng thời, các đại biểu còn thông tin về việc xây dựng, phát triển nhân rộng các mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững; công tác triển khai và thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Tháp Mười…
Y DU