Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp và nông thôn

Cập nhật ngày: 08/07/2015 12:01:00

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh chú trọng đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt trên một số lĩnh vực thủy sản, thú y, bảo vệ thực vật.


Ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào nuôi cá tra góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm ô nhiễm môi trường

Hiện toàn tỉnh có 157 cơ sở sản xuất kinh doanh và 1.488 cơ sở ươm giống thủy sản. Hầu hết các cơ sở đều áp dụng CNSN như sử dụng hormon sinh sản trong sản xuất. Nhiều cơ sở xây dựng mô hình “Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi cá tra thương phẩm” nhằm tạo ổn định nguồn nước ao nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Song song đó, Sở NN&PTNN còn phối hợp với Trung tâm giống thủy sản và Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 sản xuất và chuyển giao tôm giống càng xanh toàn đực theo công nghệ Israel nhằm rút ngắn thời gian nuôi và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Đối với lĩnh vực bảo vệ thực vật, từ năm 2009 - 2015, cơ cấu giống lúa sản xuất trên địa bàn tỉnh có sự thay đổi, đa số nông dân chuyển sang giống lúa chất lượng cao chiếm tỷ lệ từ 50 - 67% diện tích gieo trồng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Qua đó cho thấy việc lựa chọn các giống lúa cho năng suất cao, ít nhiễm sâu bệnh hại và đáp ứng nhu cầu thị trường được ứng dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo Tỉnh ủy Đồng Tháp, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, toàn tỉnh có 15 nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực CNSH được phê duyệt và 1 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực CNSH được chuyển tiếp từ các năm trước. Trong đó, có 14 nhiệm vụ được triển khai (gồm 4 dự án và 10 đề tài).

Các nội dung nghiên cứu ứng dụng thuộc lĩnh vực CNSH bao gồm phục vụ phát triển nông nghiệp có 10 nhiệm vụ (chiếm 71,43%), bảo vệ môi trường có 2 nhiệm vụ (chiếm 14,9%). Nhiều hộ dân ứng dụng CNSH trong nông nghiệp và nông thôn, sản xuất được những sản phẩm đạt chất lượng và đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của địa phương, nhất là tạo ra cây, con giống mới có năng suất và chất lượng phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả.

Nhìn chung, tỉnh Đồng Tháp nhanh chóng ứng dụng các thành tựu CNSH  vào sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh, tăng thu nhập góp phần nâng cao đời sống người dân. Điểm đáng ghi nhận là tỉnh đẩy mạnh ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp đã thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong tổng GDP của tỉnh.

Dũng Chinh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn