Điện mặt trời - giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả
Cập nhật ngày: 02/08/2020 06:23:12
ĐTO - Đầu tư nguồn điện “có sẵn” – điện mặt trời (ĐMT) để sản xuất, sinh hoạt đang là mô hình được nhiều người dân, cơ sở trên địa bàn TP.Sa Đéc áp dụng những năm gần đây. Theo người dân, mặc dù giá thành khá cao nhưng ĐMT hiệu quả cao, vừa giúp tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất lại bảo vệ môi trường.
Hệ thống máy sấy tại cơ sở bột Mười Cười giúp giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất
Phục vụ du lịch bằng năng lượng sạch
Đầu tư hệ thống ĐMT tại Homstay Ngôi nhà hoa và ếch (xã Tân Qui Đông, TP.Sa Đéc) từ cuối năm 2017, anh Trần Văn Hùng -chủ cơ sở rất phấn khởi về hiệu quả mà nó mang lại. Anh Hùng chia sẻ, điểm homstay lưu trú của anh thành lập năm 2016, thời điểm đầu đi vào hoạt động phải trả rất nhiều chi phí, đặc biệt là chi phí về điện. Thời điểm đó với các thiết bị như máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt, tivi... mỗi tháng, anh phải tiêu tốn từ 1.200 - 1.600 ký điện cho việc tưới tiêu hoa kiểng và phục vụ du lịch (tương đương trên 2 triệu đồng tiền điện/tháng), đây là một khoản chi phí không nhỏ đối với một cơ sở mới đi vào hoạt động. Đến năm 2017, qua tìm hiểu, anh Hùng được biết đến chương trình hỗ trợ đầu tư ĐMT của Trung tâm Khuyến công (Sở Công Thương tỉnh) nên đã mạnh dạn tiếp cận và đầu tư hệ thống này. Với 49 triệu đồng hỗ trợ, anh Hùng thêm tiền đầu tư ĐMT công suất 4kw với mong muốn duy nhất là tiết kiệm được chi phí và có được nguồn điện sạch để sử dụng.
Qua thời gian sử dụng, anh Hùng nhận thấy hiệu quả mang lại khá rõ, sử dụng nguồn ĐMT này giúp cơ sở tiết kiệm được 40% chi phí. Bên cạnh đó, thời gian đầu lượng điện dư thừa sản xuất ban ngày sử dụng không hết anh còn bán lại cho điện lực từ 150-300 ký. “Hiện nay, homstay đầu tư thêm một số dịch vụ khác nên lượng ĐMT không đủ cung ứng, tôi đang định đầu tư thêm một tấm pin nữa để phục vụ điểm du lịch của mình. Bên cạnh đó, tôi cũng khuyến khích các thành viên Hội quán cùng nhau làm du lịch cũng đầu tư hệ thống này để tiết kiệm chi phí” - anh Hùng nói.
Hệ thống điện mặt trời tại Homstay Ngôi nhà hoa và ếch giúp cung cấp nguồn năng lượng sạch phục vụ du khách
Công trình có khả năng thu hồi vốn đầu tư
Không chỉ những hộ kinh doanh du lịch như homstay của anh Hùng mạnh dạn đầu tư ĐMT mà trên địa bàn TP.Sa Đéc có rất nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp đã và đang lắp đặt hệ thống ĐMT. Bởi theo đánh giá, ngoài lợi ích giảm chi phí tiền điện, ưu điểm lớn nhất là các hộ gia đình, doanh nghiệp có thể bán điện cho ngành điện khi có sản lượng thừa.
Cơ sở sản xuất bột Tư Nương của ông Nguyễn Văn Nương là một trong những hộ sản xuất bột đầu tiên của thành phố đầu tư hệ thống ĐMT áp mái và cho hiệu quả rất đáng phấn khởi. Ông Tư Nương chia sẻ: “Năm 2018, khi nghe Trung tâm Khuyến công - Sở Công Thương tư vấn, mặc dù chưa hiểu rõ lắm về hệ thống này nhưng tôi cũng mạnh dạn đầu tư ngay. Lúc đó, Trung tâm hỗ trợ được 40 triệu đồng/hộ gia đình đầu tư nguồn điện 4kw, tôi đã bù thêm đầu tư luôn nguồn điện 10kw phục vụ cho cơ sở. Hiện mỗi ngày, cơ sở của tôi sản xuất tối đa 4 tấn bột nên khi dùng nguồn điện này rất có lợi”.
Theo ông Tư Nương, việc đầu tư hệ thống ĐMT có 3 cái lợi lớn. Thứ nhất, là tiết kiệm được khoảng 30% chi phí tiền điện sản xuất. Thứ hai, là tiết kiệm thêm chi phí tiền điện sinh hoạt và cuối cùng là bán được lượng điện dư thừa cho lưới điện quốc gia. Hiện nay, qua thấy được hiệu quả của việc đầu tư này nên nhiều hộ sản xuất trong Hội quán làng bột cũng đã có ý định đầu tư. Tuy nhiên, do chưa có điều kiện nên hiện nay số hộ đầu tư còn hạn chế. Hội quán đang kiến nghị đến thành phố xem xét và kiến nghị Trung tâm Khuyến công khảo sát hỗ trợ thêm cho các hộ thành viên trong Hội quán. Nếu làm được nhiều thì đây là một trong những giải pháp hướng tới việc sản xuất sạch hơn trong công nghiệp rất hiệu quả. “Thay vì trước đây chưa lắp đặt hệ thống này, mỗi tháng tôi phải trả khoảng 7 triệu đồng tiền điện thì nay chỉ trả khoảng 5 triệu đồng. Thêm nữa, tùy theo thời tiết nắng mà lượng điện điện lực chi trả lại cho tôi từ 150-400 ngàn đồng mỗi tháng. Tính ra khoảng 5-7 năm thì sẽ thu hồi được vốn. Tuy lâu, nhưng hiệu quả lâu dài nên người sản xuất như tôi không ngại” - ông Tư Nương chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Nương do là đồng hồ điện hai chiều nên khi lượng điện dư thừa sẽ tự động chuyển qua nguồn điện quốc gia
Máy sấy năng lượng mặt trời - giải pháp hướng tới việc sản xuất sạch hơn
Không chỉ đầu tư hệ thống điện áp mái phục vụ sản xuất, các hộ sản xuất, kinh doanh bột ở TP.Sa Đéc còn đầu tư hẳn máy sấy điện năng lượng mặt trời dùng để sấy bột cặn. Điều này, không chỉ giúp cho việc sản xuất được thuận lợi mà còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường, sản xuất ra sản phẩm sạch phục vụ thị trường và khách du lịch khi đến với Sa Đéc.
Anh Nguyễn Văn Cười – chủ hộ kinh doanh, sản xuất bột Mười Cười, TP.Sa Đéc chia sẻ, năm 2019, thời điểm được hỗ trợ máy sấy là lúc bùng phát dịch tả heo châu Phi dữ dội nhất. Do đó, cơ sở sử dụng hệ thống này để sấy bột 3 (bột cặn) bán cho các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, đến đầu năm 2020, dịch Covid-19 xuất hiện, việc cấm biên của các nước nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc buộc các nhà máy nghiên cứu nguyên liệu sản xuất và loại bột cặn được xem là nguyên liệu chính hiện nay. Hiện bột cặn ướt có giá 2.500 đồng/kg, nên chúng tôi không sấy loại bột này mà bán tươi cho các công ty.
Riêng máy sấy, chúng tôi tận dụng sấy bột loại 1 để cung cấp cho các công ty và bán cho khách du lịch đến tham quan làng hoa. Mặc dù giá có nhỉnh hơn nhưng khách du lịch biết được bột sản xuất, sấy khô an toàn nên rất ưa chuộng.
“Tôi nghĩ, việc sản xuất bột theo quy trình khép kín sẽ là xu hướng toàn cầu, bởi hiện nay người dân, du khách rất chú trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì vậy, cùng với sự quyết tâm của làng nghề trong việc hướng đến sản xuất sạch, an toàn rất cần sự hỗ trợ của các ban, ngành tỉnh về vốn để người dân có điều kiện sản xuất sạch, an toàn” - anh Nguyễn Văn Cười chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Quốc Chánh - Phó trưởng Phòng Kinh tế TP.Sa Đéc, từ năm 2013 đến nay, TP.Sa Đéc có 30 cơ sở được Trung tâm Khuyến công - Sở Công Thương hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Qua đánh giá cho thấy khi các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố đầu tư ĐMT cho sản xuất là hiệu quả rất lớn, vừa giúp tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất lại bảo vệ môi trường. Đặc biệt, từ việc được hỗ trợ và đầu tư thiết bị này, một số cơ sở còn đầu tư thêm các thiết bị, hệ thống khép kín để nâng cao chất lượng cho sản phẩm bột. “Để tiếp tục hỗ trợ thêm cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố, lộ trình những năm tiếp theo thành phố phối hợp với Trung tâm Khuyến công khảo sát và hỗ trợ những hộ có điều kiện và nhu cầu thực hiện mô hình nhằm giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí”, ông Chánh cho biết.
MN