Điện mặt trời mái nhà, giải pháp xanh cho nền kinh tế tương lai
Cập nhật ngày: 14/11/2020 05:23:11
ĐTO - Với hiệu quả kinh tế mang lại từ điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), thời gian qua, tại Đồng Tháp có nhiều cá nhân, doanh nghiệp bắt đầu quan tâm, ứng dụng điện năng lượng mặt trời. Nhiều công trình đi vào hoạt động và mang lại lợi ích thiết thực cho nhà đầu tư. Giải pháp này đang trở thành xu hướng mới về việc sử dụng năng lượng trong phát triển nền kinh tế tương lai.
Điện mặt trời áp mái đang được đầu tư nhiều tại Đồng Tháp
Đồng Tháp là địa phương có tiềm năng lớn trong phát triển điện mặt trời, đặc biệt là ĐMTMN. Do đó, thời gian qua có nhiều tổ chức, cá nhân chuyển sang đầu tư điện mặt trời phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh.
Theo Sở Công Thương, đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.103 tổ chức, cá nhân đầu tư lắp đặt hệ thống ĐMTMN được đấu nối vào lưới điện quốc gia, với tổng công suất lắp đặt là 27,89 MW. Với việc ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm đến việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo trong sinh hoạt và phát triển kinh tế cho thấy người dân tỉnh nhà đang ngày một quan tâm hơn đến phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
TP.Sa Đéc là một trong những địa phương có nhiều công trình lắp đặt ĐMTMN trong những năm gần đây. Với chủ trương phát triển du lịch theo hướng xanh, thân thiện với môi trường, thời gian qua nhiều điểm du lịch trọng điểm của TP.Sa Đéc quan tâm chuyển đổi sử dụng nguồn năng lượng tái tạo thay thế cho nguồn năng lượng hóa thạch. Điển hình cho xu hướng mới này phải kể đến những thành viên trong Hội quán cùng nhau làm du lịch của TP.Sa Đéc.
Chia sẻ về góc nhìn mới trong việc sử dụng điện năng lượng mặt trời phục vụ phát triển du lịch tại địa phương, anh Trần Thanh Hùng - Chủ nhiệm Hội quán cùng nhau làm du lịch cho biết: “Là một trong những thành viên đầu tiên của Hội quán đầu tư điện mặt trời để phục vụ cho phát triển du lịch, bản thân tôi hiểu rõ được những lợi ích thiết thực mà năng lượng mặt trời mang lại. Từ khi lắp đặt điện năng lượng mặt trời, trung bình mỗi tháng, điểm du lịch của tôi có thể tiết kiệm trên 2 triệu đồng cho chi phí sử dụng điện năng. Không dừng lại ở những lợi ích về kinh tế, việc đầu tư điện tái tạo thay cho sử dụng điện năng từ hóa thạch còn giúp cho khách du lịch có thiện cảm hơn với ngành du lịch của địa phương”.
Sử dụng điện mặt trời phục vụ sản xuất tại Cơ sở sản xuất bột Tư Nương, TP.Sa Đéc
Từ những hiệu quả được kiểm chứng, thời gian gần đây, nhiều thành viên trong Hội quán cùng nhau làm du lịch ở TP.Sa Đéc bắt đầu chuyển đổi sang đầu tư điện năng lượng mặt trời để phục vụ cho phát triển du lịch. Bước đầu những dự án ĐMTMN giúp các chủ đầu tư tiết kiệm được chi phí và phù hợp với định hướng phát triển du lịch xanh của địa phương.
Thời gian gần đây, ngoài những dự án đầu tư điện mặt trời lớn, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn quan tâm nhiều hơn đến chuyển đổi sang sử dụng loại hình năng lượng tái tạo này. Với quy mô hộ sản xuất kinh doanh nhỏ và vừa thì các công trình điện năng lượng mặt trời áp mái rất phù hợp với khả năng đầu tư của các hộ sản xuất.
Chia sẻ hiệu quả kinh tế từ mô hình điện năng lượng mặt trời mang lại sau hơn 2 năm sử dụng, ông Nguyễn Văn Nương - chủ Cơ sơ sản xuất bột Tư Nương, TP.Sa Đéc cho biết: “Hiện phần lớn các máy móc, trang thiết bị của cơ sở chúng tôi đều sử dụng điện và tập trung sản xuất vào ban ngày. Việc đầu tư điện năng lượng mặt trời mang lại hiệu quả rất cao, giải quyết được áp lực sử dụng điện năng vượt định mức quy định thời gian trước. Với tổng công suất dự án điện năng lượng mặt trời áp mái 10kw, hiện trung bình, mỗi tháng cơ sở của tôi có thể tiết kiệm trên 2 – 2,5 triệu đồng. Riêng những tháng nắng nhiều, bức xạ tốt thì cơ sở sẽ tiết kiệm được nhiều hơn”.
Những năm qua, nhằm khuyến khích sử dụng loại hình năng lượng tái tạo, ngày 11/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Theo đó, giá bán điện từ các nhà máy điện mặt trời, bao gồm cả từ trang trại điện mặt trời và ĐMTMN là 2.086 đồng/kWh. Mới đây, ngày 6/4/2020, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ phát triển, ký hợp đồng mua điện lâu dài đến 20 năm với giá 1.943 đồng/kWh. Với những chính sách khuyến khích sử dụng điện tái tạo từ Nhà nước, thời gian qua nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã đầu tư ĐMTMN nhằm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cũng như cung cấp nguồn điện năng xanh cho lưới điện quốc gia.
Người dân đầu tư điện năng lượng mặt trời phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp
Anh Nguyễn Thanh Toàn ở huyện Tháp Mười cho biết: “Có thể thấy, điện năng lượng mặt trời hiện nay là giải pháp hay giúp hộ gia đình tiết kiệm được chi phí sử dụng điện. Về lâu dài, điện mặt trời còn là giải pháp hiệu quả giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Với những lợi ích đó, vừa qua, tôi quyết định lắp đặt ĐMTMN để phục vụ cho gia đình cũng như hòa vào lưới điện quốc gia. Tôi nghĩ rằng, thời gian tới có nhiều dự án điện mặt trời được đầu tư sẽ góp phần giảm thiểu tốt ô nhiễm môi trường”.
Hiện nay, Đồng Tháp chưa có nhiều dự án đầu tư điện mặt trời quy mô lớn. Tuy nhiên với những tín hiệu bước đầu về việc đầu tư sử dụng năng lượng tái tạo của bà con tỉnh nhà cho thấy, tín hiệu tích cực của người dân xứ Sen hồng trong việc đổi mới tư duy phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững...
MỸ LÝ