Doanh nghiệp chủ động vượt khó trong mùa dịch
Cập nhật ngày: 29/06/2021 06:29:53
ĐTO - Thời gian qua, trước những diễn biến căng thẳng của dịch Covid-19, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn. Nhiều DN phải cắt giảm nhân công, thu hẹp quy mô sản xuất do ảnh hưởng của dịch bệnh. Song, trong bối cảnh khó khăn chung đã có những cách làm hay, giải pháp “chữa cháy tạm thời” được nhiều DN tỉnh nhà áp dụng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Sản xuất mít sấy tại Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp, huyện Châu Thành
Đẩy mạnh khuyến mãi, khai thác kênh online
Do tác động của dịch Covid-19, đầu năm đến nay, doanh số của nhiều DN giảm mạnh do thị trường tiêu thụ chậm. Để duy trì sản xuất, giữ chân khách hàng, nhiều DN chủ động linh hoạt thực hiện các giải pháp như tiết giảm chi phí sản xuất, tăng chiết khấu và khuyến mãi để kích cầu người tiêu dùng.
Là một trong những DN lớn của tỉnh nhà hoạt động trong lĩnh vực chế biến trái cây sấy, các mặt hàng của Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp, huyện Châu Thành được tiêu thụ mạnh tại các kênh truyền thống trong nước và xuất khẩu đi nhiều thị trường khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc... Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, DN này đã thực hiện nhiều giải pháp để duy trì guồng máy sản xuất.
Anh Huỳnh Văn Hiệp - Giám đốc Công ty Nam Huy Đồng Tháp cho biết: “Ảnh hưởng dịch Covid-19, đầu năm đến nay, doanh số của DN giảm khoảng gần 40% so với cùng kỳ. Không những đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh, các kênh tiêu thụ trong nước cũng giảm sản lượng rất nhiều. Để tạo công ăn việc làm cho người lao động ở địa phương cũng như góp phần giúp nông dân giải quyết đầu ra cho một số mặt hàng nông sản, thời gian qua, chúng tôi vẫn duy trì hoạt động sản xuất bình thường. Hiện chúng tôi đang áp dụng nhiều giải pháp như chạy các chương trình khuyến mãi, tăng chiết khấu nhằm kích cầu thị trường, tăng sản lượng tiêu thụ...”.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các kênh tiêu thụ của thị trường truyền thống bộc lộ nhiều hạn chế, để đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ hàng hóa, hiện một số DN trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp áp dụng hình thức bán hàng trực tuyến thông qua các nền tảng mạng xã hội và các kênh thương mại điện tử.
Chia sẻ về giải pháp lựa chọn kênh thương mại điện tử để phân phối hàng hóa trong bối cảnh hiện nay, chị Bùi Thị Thanh Thủy - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) đặc sản Đồng Tháp cho biết, phần lớn các thành viên trong HTX hiện nay là nhóm các DN chế biến và sản xuất hàng hóa tiêu dùng. Sản phẩm đặc thù của HTX là các mặt hàng thực phẩm, hạn sử dụng khoảng 6 tháng cho đến 2 năm. Do ảnh hưởng dịch bệnh nên lượng hàng hóa tồn đọng tại các DN vẫn còn khá nhiều. Hàng hóa tiêu thụ chậm khiến việc thu hồi nguồn vốn của DN gặp nhiều khó khăn. Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh bán hàng thông qua các nền tảng mạng xã hội, hiện HTX dự kiến đầu tháng 7 tới sẽ khai trương sàn thương mại điện tử chuyên cung cấp, quảng bá các sản phẩm đặc sản chế biến và nông sản tươi thế mạnh của tỉnh nhà. HTX mong muốn sẽ là đầu mối để mang sản phẩm bản địa đến gần hơn với người “tiêu dùng số” hiện nay.
Phát triển sản phẩm mới thích ứng với “thị trường mùa dịch”
Ảnh hưởng dịch Covid-19 tưởng chừng đã nhấn chìm toàn bộ hoạt động của Công ty CP Tinh bột Xanh, DN chuyên sản xuất các loại ống hút thân thiện môi trường từ bột gạo của TP.Sa Đéc. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn, DN này có một “cú bẻ lái” chinh phục thị trường nội địa bằng các dòng sản phẩm mới được chế biến từ sản phẩm bột gạo của Làng bột Sa Đéc.
Chia sẻ về câu chuyện “bẻ lái phút 89” anh Phạm Thế Hải - Giám đốc Công ty CP Tinh Bột Xanh tâm sự: “Covid-19 khiến thị trường xuất khẩu của chúng tôi có thời điểm gần như bị tê liệt, hoạt động của DN rơi vào tình cảnh khó khăn. Cùng kỳ năm trước để cầm cự DN chúng tôi phải thực hiện giải pháp cho nhân viên nghỉ việc luân phiên để duy trì guồng máy doanh nghiệp. Song “trong cái rủi lại có cái may”, do đứt gãy các đơn hàng xuất khẩu, DN chúng tôi bắt đầu nghiên cứu các dòng sản phẩm nui và bánh canh được sản xuất từ bột gạo và may mắn thị trường nội địa chấp nhận. Mặc dù hiện nay tình hình dịch Covid-19 vẫn đang rất căng thẳng, song nhờ chuyển hướng sang phát triển các dòng sản phẩm thực phẩm nên hiện nay tăng trưởng của DN lạc quan hơn cùng kỳ năm trước rất nhiều”.
Nhờ áp dụng khoa học công nghệ đi kèm với việc được sử dụng nguồn nguyên liệu bột gạo chất lượng ngay tại Làng bột Sa Đéc nên các dòng sản phẩm nui và bánh canh của Công ty Tinh Bột Xanh đang được thị trường ưa chuộng. Trung bình mỗi tháng, doanh nghiệp này có thể xuất bán ra thị trường trên 10 tấn sản phẩm nui và bánh canh thành phẩm. Hiện tại, tình hình xuất khẩu ổn định hơn nên bên cạnh sản phẩm ống hút gạo, các sản phẩm mới nui và bánh canh của DN này cũng được các đối tác từ Châu Âu, Nhật Bản, Úc đặt hàng.
Cũng giống như nhiều DN khác trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, doanh thu của DN tư nhân Bùi Thanh Tú, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự sụt giảm đáng kể do ảnh hưởng dịch Covid-19, chị Phan Thị Trinh - chủ DN Tư nhân Bùi Thanh Tú cho biết: “Trước đây, mỗi ngày, DN cung cấp cho thị trường khoảng từ 5 – 7 tấn bún tươi, bánh hỏi, phở, bánh canh. Gần hai tháng nay, do tình hình dịch bệnh căng thẳng và việc áp dụng giãn cách tại một số tỉnh, thành đã ảnh hưởng ít nhiều đến việc sản xuất tại đơn vị”.
Chị Phan Thị Trinh chia sẻ: “Dưới tác động của dịch Covid-19, thói quen người tiêu dùng cũng bắt đầu có nhiều thay đổi. Người tiêu không thường xuyên đi chợ mua sắm thực phẩm mà sẽ mua sắm nhiều trong một lần đi và dự trữ trong tủ lạnh ăn dần. Xuất phát từ thực tế đó, đầu năm 2021, DN bắt đầu nghiên cứu phát triển dòng sản phẩm bún sấy dẻo giới thiệu ra thị trường. Bún sấy dẻo có hạn sử dụng dài hơn mà hương vị hoàn toàn ngon như bún tươi truyền thống. Sản phẩm bún sấy dẻo của chúng tôi đang được một số DN kết nối và được nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi đặt hàng...”.
Mặc dù trong bối cảnh hiện tại, nhiều DN đang phải đối mặt với những khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất. Nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh cũng là một trong những áp lực nặng nề khiến cho các DN khó lòng xoay sở. Tuy nhiên, với tinh thần vượt khó, bằng năng lực và sự đoàn kết hiện các DN Đồng Tháp luôn phát huy tính sáng tạo để duy trì hoạt động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà.
Mỹ Lý