Đồng Tháp hoàn tất chỉ tiêu thu mua tạm trữ lúa, gạo vụ đông xuân 2014-2015
Cập nhật ngày: 22/04/2015 07:23:54
Vụ đông xuân năm 2014-2015, toàn tỉnh có 32 thương nhân được Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân giao chỉ tiêu thu mua lúa, gạo tạm trữ, trong đó có 11 thương nhân trong tỉnh (kể cả Hợp tác xã Tân Cường làm thí điểm) và 21 thương nhân ngoài tỉnh có kho đóng trên địa bàn Đồng Tháp, với tổng lượng quy gạo 170.900 tấn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có 2 đơn vị xin đề nghị trả chỉ tiêu, 3 đơn vị không đáp ứng điều kiện bị Hiệp hội rút chỉ tiêu và 1 đơn vị chuyển sang tỉnh khác thu mua. Do đó, Hiệp hội đã điều chỉnh chỉ tiêu cho Đồng Tháp.
Nhìn chung, công tác triển khai thu mua tạm trữ của các thương nhân trên địa bàn thuận lợi, ngân hàng kịp thời hỗ trợ nguồn vốn vay theo hạn mức tín dụng; công tác phối hợp giữa địa phương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam triển khai thu mua tạm trữ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ năm nay được kịp thời, công khai minh bạch, có sự phối hợp tương đối chặt chẽ với các địa phương. Với quan điểm mua tạm trữ là một giải pháp điều tiết thị trường lúa, gạo; do vậy, không căn cứ vào diện tích, sản lượng lúa của từng tỉnh để phân chia cho các doanh nghiệp; đồng thời mua tạm trữ lần này Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng căn cứ vào năng lực kho, tài chính, kết quả liên kết, thành tích thu mua, xuất khẩu của năm trước để phân chia chỉ tiêu cho các đơn vị.
Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương thu mua 1 triệu tấn quy gạo tạm trữ từ 1/3/2015 - 15/4/2015 thì giá lúa, gạo trên thị trường có dấu hiệu tăng trở lại, mức tăng từ 100 - 300 đồng/kg tùy loại so với thời điểm trước khi có chủ trương thu mua tạm trữ. Tuy nhiên, mức tăng này không ổn định lâu dài do đầu ra bị hạn chế giá gạo xuất khẩu thấp, nên sau đó đã giảm xuống bằng với trước thời điểm triển khai thu mua tạm trữ. Mặc dù kết thúc chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo từ 15/4/2015, nhưng giá lúa trên thị trường vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực theo chiều hướng có lợi cho người nông dân. Vì vậy, việc triển khai thu mua tạm trữ chỉ là giải pháp tình thế, chứ không đem lại lợi ích thiết thực cho người nông dân. Tuy nhiên, đây vẫn là giải pháp tốt nhất lúc nguồn cung lúa hàng hóa trên thị trường dồi dào trong khi đầu ra bị hạn chế, nhờ có chủ trương mua tạm trữ mà giá lúa không giảm thêm.
Việc thu mua lúa, gạo tạm trữ trên địa bàn Đồng Tháp được thực hiện bằng nhiều hình thức, chủ yếu tập trung từ các thương lái mua lúa trực tiếp từ nông dân, sau đó mang đến các nhà máy xay xát, chế biến thành gạo nguyên liệu và bán lại cho các doanh nghiệp; hoặc các doanh nghiệp mở điểm thu mua tại đồng ruộng về chế biến xuất khẩu... Một hình thức khá phổ biến hiện nay là doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân thông qua hợp tác xã để tiêu thụ lúa theo hợp đồng đã ký trước.
Tính đến ngày 15/4/2015, các thương nhân trên địa bàn tỉnh đã thu mua được 169.900 tấn quy gạo, đạt 100% chỉ tiêu Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân bổ. Trong đó, thương nhân trong tỉnh mua được 83.000 tấn quy gạo, đạt 100% chỉ tiêu; thương nhân ngoài tỉnh có kho đóng trên địa bàn Đồng Tháp mua được 86.900 tấn quy gạo, đạt 100% chỉ tiêu.
Trúc Tươi