Đồng Tháp phấn đấu nâng tầm Chỉ số PCI năm 2024
Cập nhật ngày: 06/06/2024 10:18:38
ĐTO - Năm 2023, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Đồng Tháp nằm trong top 5 các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước. Để thực hiện được kết quả này, thời gian qua, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh chú trọng, kiên trì triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) nhằm hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một “địa phương khởi nghiệp”.
>> [Infographic] PCI 2023 - Đồng Tháp xếp vị trí thứ 5
>> Đồng Tháp xếp thứ 5 Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thực hiện tốt chủ trương “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, thông qua việc thường xuyên tiếp cận doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn
Nhiều tín hiệu khả quan
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, năm 2023, Chỉ số PCI của tỉnh đạt 69,66 điểm, xếp vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng của cả nước và đứng thứ 2 khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đây là năm thứ 16 liên tiếp (2008 - 2023), tỉnh Đồng Tháp nằm trong top 5 các tỉnh, thành phố dẫn đầu trên cả nước về Chỉ số PCI.
Qua kết quả khảo sát cho thấy, năm 2023, phần lớn các chỉ số thành phần đều tăng điểm (có cải thiện tốt hơn so với năm 2022) nhưng mức độ cải thiện không nhiều. Trong đó, có 6/10 chỉ số tăng điểm so với năm 2022, gồm: gia nhập thị trường; tính minh bạch; chi phí thời gian; cạnh tranh bình đẳng; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; có 1 chỉ số dẫn đầu cả nước là tính minh bạch; 1 chỉ số xếp hạng 2 cả nước là thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; 1 chỉ số xếp hạng thứ 3 cả nước là cạnh tranh bình đẳng.
Từ kết quả đánh giá, trong năm 2023, tại tỉnh Đồng Tháp, DN thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới đăng ký DN và các thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện nhanh hơn, như: 97% DN đánh giá “Thủ tục tại bộ phận một cửa được niêm yết công khai”; 100% cán bộ, công chức “Hướng dẫn thủ tục rõ ràng, đầy đủ”; 91% nhận định “Cán bộ tại bộ phận một cửa am hiểu về chuyên môn”... Hơn thế, môi trường kinh doanh của tỉnh được DN đánh giá là minh bạch nhất so với cả nước (dẫn đầu cả nước 2 năm liên tục), tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận thông tin về quy hoạch sử dụng đất, các kế hoạch đầu tư công, chính sách ưu đãi đầu tư của địa phương...
Công tác cải cách hành chính, năng lực thực thi, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức vẫn tiếp tục có chuyển biến tích cực hơn (chỉ số này xếp thứ 3 trên cả nước). Trong đó, có 93% DN đánh giá “cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả”; 90% DN đồng tình với nhận định “Cán bộ Nhà nước thân thiện”; 89% DN cho rằng “thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định”; 88% DN nhận định “thủ tục giấy tờ đơn giản”...
Bà Võ Phương Thủy - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Để hỗ trợ DN, thời gian qua, ngành công thương đã triển khai hỗ trợ nhiều đơn vị sản xuất ứng dụng máy móc tiên tiến, dây chuyền công nghệ vào hoạt động sản xuất. Đồng thời hỗ trợ thực hiện quảng bá nhãn hiệu, thương hiệu, sản phẩm, xây dựng các điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm, bán hàng và kho trung chuyển hàng hóa ở ngoài tỉnh. Cùng với đó, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức các hội nghị kết nối giao thương, hội thảo, hội chợ triển lãm, tập huấn nhằm kết nối các nhà phân phối, hệ thống siêu thị lớn trong và ngoài nước; tập trung hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất, kinh doanh qua các hình thức như: tổ chức hội nghị, hội thảo, hỗ trợ DN tham gia trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Ngoài ra, Tổ thông tin và phân tích thị trường nông sản tỉnh phát hành các Bản tin thị trường với nhiều thông tin, bài viết của các chuyên gia nghiên cứu các lĩnh vực có liên quan đến thị trường hàng hóa nông sản...”.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa thường xuyên dự các buổi “Cà phê doanh nghiệp” tại các Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đánh giá: “Trong năm 2023, UBND tỉnh tập trung vào các nhiệm vụ giải pháp nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư; kiến nghị tháo gỡ, loại bỏ những rào cản trong đầu tư kinh doanh; góp ý hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư và thu hút đầu tư. Đồng thời triển khai nhiều giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; tăng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính... Ngoài ra, tăng cường công tác hỗ trợ để cải thiện khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho DN; triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy DN đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững...”.
Tiếp tục nâng cao Chỉ số PCI
Về chỉ tiêu, trong năm 2024, tỉnh phấn đấu điểm số PCI đạt từ 71 điểm trở lên và duy trì trong top 5 các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất trên cả nước. Trong đó, tập trung vào các nội dung trọng tâm để củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của DN như: tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hành chính công; nâng cao chất lượng và thái độ thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ (hệ thống mạng và phần mềm); đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, tiếp tục thực hiện mô hình một cửa - một cửa liên thông, một cửa điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác tham mưu thuộc lĩnh vực phụ trách, hạn chế sự chồng chéo, đùn đẩy, tạo cơ hội hình thành các tiêu cực, nhũng nhiễu; có giải pháp cụ thể trong việc giám sát quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền trong giải quyết hồ sơ, thủ tục cho DN, nhà đầu tư để kiểm soát hiệu quả hiện tượng “tham nhũng vặt”, hay “chi phí bôi trơn” thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước như DN đã phản ánh trong kết quả khảo sát đối với chỉ số chi phí không chính thức. Tỉnh tiếp tục duy trì mô hình “Cà phê doanh nghiệp”; tổ chức đối thoại công khai, đa dạng dưới nhiều hình thức, định kỳ ít nhất 2 lần/năm với cộng đồng DN, báo chí để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN...
Để có thể làm tốt hơn về Chỉ số PCI năm 2024, bà Nguyễn Lâm Thanh Thủy - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp, chia sẻ: “Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục công khai các quy hoạch được phê duyệt; kế hoạch sử dụng đất; danh mục dự án kêu gọi đầu tư; các cơ chế; chính sách ưu đãi đầu tư; văn bản điều hành, các chương trình hỗ trợ DN... Đồng thời mở rộng phạm vi tiếp nhận và trả lời tất cả các đề xuất, kiến nghị trên Tổng đài 1022 (hiện nay vẫn còn một số lĩnh vực chưa được Tổng đài 1022 tiếp nhận với lý do ngoài phạm vi phục vụ), kịp thời cung cấp thông tin, trả lời kiến nghị của DN, người dân...”.
Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đối với chỉ số “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”
Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ, chia sẻ: “Để cải thiện Chỉ số PCI, tỉnh Đồng Tháp cần tiếp tục cải thiện hạ tầng giao thông kết nối với các nhà đầu tư; tiếp tục phát huy thế mạnh của Câu lạc bộ DN dẫn đầu tỉnh Đồng Tháp nhằm dẫn dắt các DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp trong xu hướng phát triển chung. Cùng với đó, duy trì tốt phong trào khởi nghiệp và là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP nhất; xây dựng chính sách phát triển DN mới; quan tâm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đào tạo nguồn nhân lực lành nghề, chiến lược phát triển DN, tập trung nguồn lực đào tạo nhân lực. Lãnh đạo tỉnh cần quan tâm hơn trong sự thay đổi các chỉ số có trọng số cao, phản ánh được sự kỳ vọng của DN vào sự lãnh đạo, quản lý của địa phương. Chẳng hạn chỉ số chi phí không chính thức là trọng số lớn cần quan tâm. Ngoài ra, cần quan tâm với các chỉ số như: chi trả chi phí không chính thức; chi phí đào tạo lao động, tính năng động, chi phí thời gian...”.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho rằng: “Tỉnh sẽ triển khai nhiều giải pháp phát huy tinh thần sáng tạo, chủ động, tích cực, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành; tăng cường chuyển đổi số trong các lĩnh vực, giảm hội họp, tăng cường đi cơ sở nhằm nắm bắt và giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh. Đồng thời bám sát vào các nội dung, chỉ số thành phần PCI để tiến hành rà soát, khắc phục ngay các chỉ số đạt thấp, các chỉ tiêu thiếu tích cực; quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ DN trong “gia nhập thị trường”, trong đó, đặc biệt quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính cấp phép kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện...”.
Nam Phong