Đồng Tháp phát triển thương mại điện tử đến năm 2020

Cập nhật ngày: 28/07/2017 10:43:36

ĐTO - Thương mại điện tử (TMĐT) là sự mua bán sản phẩm hay dịch vụ trên các hệ thống điện tử như Internet và các mạng máy tính. Nhằm xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; góp phần nâng cao hiệu quả, quản lý và điều hành của các cơ quan nhà nước; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, làng nghề phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế, tỉnh đã đề ra những bước đi cụ thể cho việc phát triển TMĐT trong những năm tới.

Phấn đấu từ nay đến năm 2020 tỉnh có từ 40 - 50% DN có trang thông tin điện tử; có từ 60 - 70% DN thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn thực hiện đặt hàng thông qua các ứng dụng TMĐT; 80% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 70% các đơn vị cung cấp điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt;...

Để đạt được các mục tiêu đề ra, cần tập trung thực hiện các nội dung mang tính thiết thực. Trước hết, là nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động TMĐT.

Nâng cao năng lực cho đội ngũ thực thi pháp luật về TMĐT tại các ngành tỉnh như: thanh tra, quản lý thị trường, công an, viện kiểm sát, tòa án và các huyện, thị xã, thành phố thông qua việc thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng TMĐT, trang bị các phương tiện hiện đại để hỗ trợ việc theo dõi, giám sát, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm các hoạt động TMĐT trên môi trường trực tuyến. Khảo sát, thống kê tình hình ứng dụng TMĐT trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Đẩy mạnh cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục hành chính công. Thực hiện hóa đơn điện tử trên toàn tỉnh, trong đó cơ quan thuế hỗ trợ DN vừa và nhỏ thực hiện hóa đơn điện tử theo quy định; triển khai dịch vụ kê khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực TMĐT, tổ chức tập huấn chuyên sâu về kỹ năng TMĐT cho DN, thanh niên khởi nghiệp và sinh viên trên địa bàn tỉnh như: lập kế hoạch ứng dụng và triển khai TMĐT cho DN; các kỹ năng khai thác thông tin thương mại trực tuyến; các kỹ năng tìm kiếm khách hàng trên trang thông tin điện tử; xây dựng và quản trị trang thông tin điện tử; ứng dụng tiếp thị trực tuyến; sàn giao dịch, xây dựng thương hiệu trên môi trường TMĐT.

Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng về TMĐT thông qua các kênh truyền thông, báo chí. Từng bước hình thành tập quán mua sắm thông qua TMĐT, chú trọng nhân rộng các mô hình TMĐT tiên tiến.

Chú trọng phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong TMĐT. Khuyến khích các DN, cá nhân khởi nghiệp các mô hình kinh doanh TMĐT mới, ứng dụng công nghệ tiến tiến. Phổ biến các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chuẩn trao đổi dữ liệu điện tử ứng dụng trong TMĐT tới các DN, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của an toàn thông tin, quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch TMĐT và lợi ích của việc sử dụng chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số trong hoạt động TMĐT. Khuyến khích các DN ứng dụng trao đổi dữ liệu điện tử trong kinh doanh điện tử giữa các DN, ứng dụng các công nghệ bảo mật tiên tiến để thông tin trao đổi trên môi trường TMĐT được đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, tiếp tục tạo môi trường ứng dụng TMĐT và hỗ trợ các DN trong tỉnh tham gia quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng tiếp thị trên môi trường TMĐT, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa chưa có điều kiện, năng lực tài chính vận hành và duy trì trang thông tin điện tử riêng.

H.HUYỀN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn