Đồng Tháp quyết tâm nâng tầm Chỉ số Xanh cấp tỉnh
Cập nhật ngày: 13/06/2024 05:06:23
ĐTO - Để tiếp tục duy trì, nâng cao Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) một cách bền vững, tỉnh Đồng Tháp đã và đang xây dựng nhiều giải pháp cụ thể trong việc thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chỉ số PGI. Đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh trong việc duy trì, cải thiện kết quả và thứ bậc xếp hạng Chỉ số PGI, góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo định hướng xanh, phát triển bền vững.
Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp luôn quan tâm đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp thông qua các buổi thăm, làm việc và gặp gỡ nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn trong suốt quá trình đầu tư
Nhiều chỉ số tăng theo hướng tích cực
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, Chỉ số PGI lần đầu tiên được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vào năm 2022. Đây là công cụ chính sách hữu ích nhằm hỗ trợ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đồng thời đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như: mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp (DN) tại địa phương; trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của DN. Qua đó, thể hiện rõ mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.
Năm 2022, Đồng Tháp xếp hạng 42, đạt điểm số 14,33 về Chỉ số PGI. Trước những vấn đề quan trọng đặt ra, thời gian qua, UBND tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, toàn hệ thống chính trị chú trọng công tác quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đồng thời nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và cộng đồng DN, người dân trong việc duy trì và cải thiện kết quả, thứ bậc xếp hạng Chỉ số PGI của tỉnh; đổi mới cơ chế, chính sách đảm bảo thông thoáng, hấp dẫn, đột phá, hỗ trợ đầu tư xanh, xanh hóa sản xuất và tiêu dùng, phát triển DN xanh, tạo ra sự khác biệt nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch để hỗ trợ cộng đồng DN...
Trước những nỗ lực, năm 2023, Chỉ số PGI Đồng Tháp đạt 22,74 điểm, xếp thứ 18 trên bảng xếp hạng của cả nước (tăng 24 bậc so với năm 2022), xếp thứ 7 trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, Chỉ số giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu có sự đột phá, dẫn đầu cả nước với 7,71 điểm; Chỉ số bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu đạt 5,80 điểm xếp thứ 42; Chỉ số thúc đẩy thực hành xanh đạt 4,13 điểm xếp thứ 25; Chỉ số chính sách và dịch vụ hỗ trợ DN trong bảo vệ môi trường đạt 5,10 điểm xếp thứ 27.
Ông Hồ Thanh Phương - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Tháp, cho rằng: “Thời gian qua, tỉnh có sự cải thiện đáng kể trong Chỉ số PGI so với năm 2022, cho thấy sự nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện các chỉ số thành phần quan trọng như: môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, giảm thiểu ô nhiễm, thiên tai và các yếu tố khác liên quan đến phát triển kinh tế và xã hội. Đây là kết quả của các chính sách và biện pháp tỉnh đã triển khai để thúc đẩy sự phát triển và cải thiện môi trường kinh doanh”.
Phấn đấu nâng tầm chỉ số PGI
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, năm 2024, Đồng Tháp phấn đấu điểm số PGI đạt từ 25,75 điểm trở lên (tăng khoảng 3 điểm so với năm 2023). Trong đó, phấn đấu nâng tầm 4 chỉ số thành phần gồm: Chỉ số giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai đạt từ 7,75 điểm trở lên; Chỉ số đảm bảo tuân thủ đạt từ 6,50 điểm trở lên; Chỉ số thúc đẩy thực hành xanh đạt từ 5,50 điểm trở lên; Chỉ số chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ đạt từ 6,00 điểm trở lên; từng bước tiếp cận với top 10, 15 cả nước và nằm trong top 5 khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Để đạt được những kết quả đề ra, UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ tập trung triển khai xanh hóa sản xuất, thương mại, dịch vụ và tiêu dùng; thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp theo định hướng kinh tế xanh. Trong đó, thu hút đầu tư theo định hướng tái cấu trúc kinh tế để đẩy nhanh quá trình phát triển theo mô hình kinh tế xanh; thu hút đầu tư tư nhân đầu tư vào lĩnh vực phát triển xanh, quan tâm xúc tiến dự án đầu tư có tính thích ứng với biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy chuyển đổi xanh; xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích DN xanh, DN cam kết thực hiện những quy tắc về kinh tế xanh. Tỉnh kiểm kê và đánh giá lượng khí thải các-bon theo kế hoạch tăng trưởng xanh; tận dụng cơ hội kinh doanh của DN khi thực hiện các cam kết tuân thủ những tiêu chuẩn xanh, tập trung vào quản lý rủi ro và bảo vệ đầu ra của quá trình sản xuất trong quá trình chuyển đổi.
Tỉnh cũng quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị theo hướng sinh thái với các quy mô đa dạng, bao gồm: khung tiêu chí, quy hoạch, chính sách thu hút đầu tư, đào tạo nhân lực, các tiêu chuẩn quản lý...; nghiên cứu xây dựng quy định yêu cầu các chủ đầu tư ứng dụng công nghệ xanh, sử dụng năng lượng tự nhiên, tiết kiệm năng lượng, các vật liệu hiện đại, thân thiện với môi trường, khuyến khích các DN sản xuất các sản phẩm phục vụ cho xây dựng và sử dụng các công trình xây dựng xanh.
Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai áp dụng các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ thích hợp thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh; nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, áp dụng các quy trình, công nghệ sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên đất, nước, sử dụng năng lượng sạch/năng lượng tái tạo... và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất, đảm bảo phát triển bền vững; khuyến khích các DN đổi mới công nghệ, áp dụng quy trình quản lý, vận hành tiên tiến đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất và tiêu dùng, đặc biệt với các cơ sở sản xuất lớn, tiêu thụ nhiều năng lượng; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xanh gồm: công nghệ năng lượng xanh, vật liệu và xây dựng, cơ khí giao thông vận tải, công nghệ nông, lâm, sinh học, hóa học, xử lý chất thải...
Nhật Nam